Tạo liên kết văn hóa đọc trong cộng đồng

Minh Quân 22/10/2020 09:31

Tại hội nghị tổng kết Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động  học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 21/10, tại Hà Nội, nhiều vấn đề về văn hóa đọc trong cộng đồng đã được nêu ra. 

Ngày 27/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng nhà văn hóa, câu lạc bộ”.

Theo đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2014 - 2020. Từ năm 2014 - 2020, các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ học tập cho đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên.

Sau một thời gian triển khai, trong hoạt động thư viện, phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phát huy nguồn lực thông tin hiện có, mở rộng các dịch vụ mới và đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách báo; công tác luân chuyển sách và phục vụ lưu động được tăng cường, mở rộng, góp phần đáp ứng nhu cầu đọc, phục vụ việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân.

Trung bình mỗi thư viện tổ chức hơn 40 đợt luân chuyển, phục vụ lưu động/năm. Nhiều lớp học trang bị kỹ năng sống, kỹ năng công nghệ thông tin, sinh hoạt chuyên đề, khéo tay hay làm dành cho các đối tượng người đọc đã được tổ chức tại thư viện.

Nhiều bảo tàng đã chủ động đưa di sản tới cơ sở thông qua các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề, đổi mới hoạt động bảo tàng gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường; liên kết với ngành giáo dục thực hiện chương trình “Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông” thông qua các hoạt động: tổ chức sinh hoạt hè, thi tìm hiểu, học tập lịch sử, văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích lịch sử.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà: Kinh phí thực hiện Đề án còn eo hẹp, lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ chính trị của địa phương nên chưa đạt hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền thực hiện Đề án gặp nhiều khó khăn do không được cấp kinh phí chi cho việc thực hiện Đề án, vì vậy phải thường xuyên lồng ghép kết hợp với các hoạt động chuyên môn khác của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.

Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, chất lượng hoạt động chưa đồng đều giữa các vùng miền.

Cũng theo bà Ngà, nhận thức của lãnh đạo một số địa phương, ngành về vai trò của thiết chế văn hóa đối với xã hội và đối với việc xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy học tập suốt đời còn hạn chế, dẫn đến việc quan tâm và đầu tư cho hoạt động còn nhiều bất cập. Chưa kể hiện nay, chế độ chính sách đãi ngộ dành cho người làm công tác thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là cấp xã…

Các đại biểu đại diện cho các địa phương, ngành cũng đã có đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế; tăng cường đầu tư, thực hiện kiện toàn, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và lãnh đạo các địa phương.

Đặc biệt sẽ tăng cường việc phối hợp và liên các trong tổ chức hoạt động của các thư viện, bảo tàng, di tích, nhà văn hóa tạo thành mạng lưới rộng khắp…

Bộ Văn hóa cần kiến nghị với Chính phủ triển khai nguồn vốn Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa (giai đoạn 2021 - 2025) một cách hiệu quả.

Minh Quân