Kỹ năng xử lý thương tích trong mưa bão
Trong mùa mưa bão, lũ, ngoài nguy cơ từ rất nhiều bệnh dịch, người dân cũng cần phải ứng phó với các tai nạn rủi ro.
Sét đánh mùa mưa bão
Người bị sét đánh có thể ngừng tim ngay lập tức. Ở những người khác có thể không thấy các dấu hiệu tổn thương bên ngoài. Một số người có thể mất ý thức trong thời gian khác nhau. Họ có vẻ lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra...
Khi phát hiện người bị sét đánh, cần đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng. Khẩn trương tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu phát hiện nạn nhân bị gãy xương, cần cố định xương chắc chắn trước khi di chuyển. Đặc biệt cẩn thận, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống.
Ngạt nước
Khi cấp cứu nạn nhân bị ngạt nước, để nằm sấp nghiêng đầu, ấn đẩy mạnh hai tay vào vùng thượng vị hoặc dốc ngược nhanh nạn nhân lên, nhưng không kéo dài quá 1 phút. Lau mũi, miệng, họng. Nếu nạn nhân thở yếu thì thổi ngạt miệng - miệng. Tuyệt đối không chữa theo mách bảo, kinh nghiệm.
Điện giật
Nếu gặp nạn nhân bị điện giật cần nhanh chóng cắt cầu dao điện. Dùng gậy gỗ khô, ván gỗ, cây nhựa... tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát.
Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại.
Sơ cứu gãy xương
Gãy xương hay gặp do nhà sập, cây đè, té ngã. Gãy xương nếu không được sơ cấp cứu đúng sẽ làm nặng thêm cho nạn nhân. Tuyệt đối không di chuyển nạn nhân khi chưa được cố định xương gãy.
Cần cố định chi gãy theo tư thế cơ năng (chi ở tư thế nào nên cố định ở tư thế đó), không kéo, nắn hay chỉnh sửa tư thế chi; dùng nẹp đúng cỡ, có chèn gạc hoặc giẻ ở những nơi nẹp ép sát vào da của nạn nhân (tránh xây xát, rách da).