Giáo dục không thể thay đổi qua đêm
Ngay từ đầu chúng ta phải xác định sẽ mất một thời gian dài. Bởi sản phẩm của giáo dục là con người, rất đặc biệt. Đánh giá sản phẩm đó cũng cần rất nhiều thời gian. Nếu nhanh quá, chắc chắn hỏng. Cần thay đổi từng bước.
Đó là quan điểm của GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, GS Phùng Hồ Hải cho rằng: Công tác bồi dưỡng giáo viên ở các trường ĐH Sư phạm không đảm bảo chất lượng thì sẽ ảnh hưởng rất lâu dài tới nền giáo dục. Bởi ở bất kỳ trình độ dạy nào, đối tượng dạy nào, nếu thầy không giỏi thì cũng không thể đào tạo ra được trò giỏi ở góc nhìn đại trà.
PV: Quan điểm dạy và học lấy học trò là trung tâm còn thầy cô đóng vai trò là người hướng dẫn thì liệu có những ngoại lệ xảy ra khi thầy cô dù không biết nhưng có thể hướng dẫn HS của mình cách khai thác, thưa ông?
GS.TS Phùng Hồ Hải: Chúng ta nên nhìn nhận từ góc độ đại trà, theo nghĩa cả một lớp hay một trường. Chúng ta không nói đến một vài cá nhân xuất sắc. Đúng là có những HS không cần thầy vẫn có thể tự học nhưng đấy là những trường hợp ngoại lệ.
Mô hình lấy người học làm trung tâm càng cần đến năng lực của người thầy. Nhìn lại cách dạy học truyền thống khi thầy đóng vai trò truyền thụ kiến thức đến cho HS thì có thể chỉ cần dạy hết chương trình, sách giáo khoa, không cần đến mở rộng kiến thức. Nhưng sang mô hình học trò là trung tâm, người thầy đóng vai trò gợi mở, định hướng, hướng dẫn thì kiến thức người thầy càng phải rộng, càng cần thường xuyên cập nhật…
Để nâng cao năng lực của người thầy, có nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, có việc thu hút đầu vào của trường sư phạm là những HS giỏi. Vừa rồi, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên ngành sư phạm, ông đánh giá thế nào?
- Tôi cho rằng đó là một tín hiệu tích cực, có thể nói đó là giải pháp ngắn hạn và tôi tin là sẽ đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả đến đâu thì chưa thể kết luận được. Chúng ta nhớ lại những năm cuối thập niên 90 thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, sinh viên sư phạm cũng được miễn học phí và cấp học bổng thì đã làm thay đổi rất nhiều ở chất lượng đào tạo sư phạm ở một vài nơi mà tôi biết. Thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tốt. Nhưng khi Nhà nước cắt giảm chính sách này thì chất lượng giảm xuống ngay. Như vậy, để thấy, những giải pháp này đóng một vai trò tích cực trong việc thu hút chất lượng đầu vào. Dù chưa đảm bảo được chất lượng đầu ra nhưng cũng có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng đầu ra vì bồi dưỡng người có năng lực thì khả năng thành công lớn hơn nhiều so với những người không có năng lực, đó là chắc chắn.
Chương trình và SGK mới đã bắt đầu triển khai từ năm học này ở lớp 1 nhưng đang có nhiều ý kiến lo ngại về việc quá tải.Quan điểm của giáo sư ra sao?
- Tôi nghĩ rằng chương trình, SGK là một sự bắt đầu. Nó có kết thúc được không là một chặng đường dài nên ngay bây giờ mình mới bắt đầu đã nói nó kết thúc thế nào thì xa quá. Nhưng rõ ràng nó cho ta một định hướng để đi, để mà thay đổi.
Bên cạnh việc tập huấn, bồi dưỡng thì mỗi giáo viên cần tự mình nỗ lực thay đổi để phù hợp với giảng dạy chương trình SGK mới. Nhưng tôi không cho rằng người thầy sẽ phải thay đổi hoàn toàn và điều đó cũng không khả thi. Người thầy đang đứng lớp hiện nay cần phải thay đổi nhưng tùy từng thế hệ, chẳng hạn giáo viên trẻ hơn cần thay đổi nhiều hơn vì có nhiều thời gian hơn. Đó là sự thay đổi dần dần chứ không thể làm cách mạng trong một ngày được. Đây là cuộc cách mạng kéo dài trong nhiều năm và chúng ta phải kiên trì với công cuộc thay đổi này và không thể nóng vội.
Đơn cử như với lần thay đổi này, ít nhất phải 10 năm nữa thế hệ HS đang học lớp 1 hiện nay mới trải qua hết chương trình thực sự đổi mới, lúc đó mới có thể bắt đầu đánh giá cho lứa đầu tiên của thay đổi. Hiệu quả của nó phải 10-15 năm nữa mới nhìn thấy. Còn với những HS lớp 10, cơ bản đã định hình nhiều thứ rồi nên dù có học chương trình, SGK mới thì chỉ thay đổi một chút, không thể nhiều được. Quá trình thay đổi của một con người cần rất nhiều thời gian.
Chính vì vậy, tôi cho rằng cái đầu tiên giáo viên cần thay đổi là tư duy. Có mong muốn và sẵn sàng chấp nhận thay đổi còn thay đổi nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực của từng người. Nhưng chỉ cần giáo viên muốn và cố gắng thay đổi theo khả năng của mình.
Sau tư duy cũng cần đến những chuyển động cụ thể của nhà giáo, thưa giáo sư?
- Tôi nghĩ vấn đề tư duy là chính chứ không phải là năng lực. Các thầy cô đều có năng lực để thay đổi nếu họ muốn thay đổi. Việc dạy chương trình, SGK mới tôi không nghĩ sẽ khó hơn mà cần một cách tiếp cận khác đi. Chẳng hạn với môn Toán, tôi cho rằng hiện nay thầy cô đang rất vất vả trong việc ra đề thi trắc nghiệm dù HS chỉ làm trong mấy chục phút nhưng thầy cô phải chuẩn bị rất công phu… Sau này, tôi cho rằng sẽ không nặng nhọc như thế mà sẽ cho thầy cô thời gian để suy nghĩ, sáng tạo nhiều hơn thay vì “đánh vật” với đề bài. So sánh thật khó nhưng tôi cho rằng sẽ khác đi.
Vai trò của ban giám hiệu nhà trường trong việc thúc đẩy, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của giáo viên như thế nào?
- Quản trị của nhà trường cũng phải thay đổi. Chủ trương chung tự chủ là đúng. Muốn tự chủ cần phải có quy trình dân chủ minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự kiểm soát của cơ quan chủ quản cũng như một cơ quan độc lập khác thì nhà trường sẽ làm được thôi. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thời đại?
Trân trọng cảm ơn ông!