Lạm thu, loạn sách tham khảo và những câu chuyện học đường
Việc không ít trường lạm thu phí của cha mẹ học sinh trong dịp đầu năm học, bán độn sách tham khảo trong các bộ sách giáo khoa (SGK), ép học sinh học thêm... ngày càng trở nên phổ biến. Dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn luôn hứa sẽ chấn chỉnh, sẽ xử lý nghiêm, nhưng xem ra căn bệnh này không hề thuyên giảm.
Lạm thu đầu năm
Nhiều năm qua, vấn nạn lạm thu đầu năm học lại tái diễn, tạo thêm gánh nặng đè lên vai phụ huynh học sinh. Có trường “liều mạng” thì ngang nhiên “bịa” ra các khoản phí rồi trực tiếp đứng ra thu tiền của phụ huynh học sinh. Có trường “nhát” hơn thì ban phụ huynh của trường, của lớp đứng ra thu dưới chiêu bài “tự nguyện”. Đó là lý do mà cứ vào đầu năm học mới, hầu hết các gia đình có con em đang ngồi trên ghế nhà trường đều “toát mồ hôi hột” khi nhận được giấy mời họp phụ huynh.
Nói có sách, mách có chứng. Hầu hết các trường vào đầu năm học đều “gợi ý” phụ huynh học sinh tham gia sử dụng sổ liên lạc điện tử, với mức phí khoảng 30.000 đồng/ tháng/ học sinh. Tất nhiên, giáo viên chủ nhiệm luôn kèm theo một câu được lập trình sẵn: Phụ huynh nào không tham gia cũng không sao. Song, ai mà không biết rằng, tiếng là tự nguyện nhưng nếu không tham gia thì cả lớp sẽ nhận được thông báo hàng ngày của giáo viên riêng con mình thì không, thì dù không hài lòng nhưng đại bộ phận phụ huynh học sinh đều buộc phải đồng ý. “Hầu hết các lớp đều lập nhóm trên Zalo, Viber... để kết nối giữa giáo viên và các phụ huynh, hoàn toàn miễn phí. Vậy thì cần gì đến sổ liên lạc điện tử phải trả phí nữa?” – chị Lan Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đặt vấn đề.
Ở hầu hết các trường THPT nằm trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội, đầu năm học hội phụ huynh đều đứng ra thu của cha mẹ học sinh số tiền quỹ thấp nhất là 800 nghìn đến 1 triệu đồng/ học sinh (cao có thể lên tới 1,5 triệu đồng/ học sinh). Đó mới chỉ là “dự chi” cho một học kỳ, tới học kỳ hai sẽ “tính tiếp”. Số tiền đó chi vào những khoản gì, tiêu ra sao thì chỉ ban phụ huynh nắm được. Và trong những thông báo về việc chi tiêu của quỹ phụ huynh cuối năm thường người ta hay thấy nhắc tới những khoản dành cho các dịp “lễ lạt” cho thầy cô và Ban Giám hiệu. Dù ấm ức nhưng hầu hết phụ huynh học sinh đều phải chấp nhận đóng góp vì lo con mình bị trù dập.
Nhìn chung, vấn nạn lạm thu vẫn diễn ra khá phổ biến, ngày càng tinh vi hơn. Để an toàn, tránh việc bị “thổi còi” dẫn đến phải trả lại tiền, các nhà trường không đứng ra thu các khoản tiền như xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, khen thưởng thầy cô giáo, phí chăm sóc ngoài giờ, sổ liên lạc điện tử, tiền điện... mà mượn danh nghĩa của ban phụ huynh học sinh để thu.
Dạy thêm, liên kết, độn sách...
Do bị cấm dạy thêm nên giáo viên, Ban Giám hiệu các trường biến tướng bằng hình thức soạn sẵn đơn đề nghị học thêm phát cho học sinh mang về để phụ huynh ký vào. Nếu có bị báo chí “soi” về việc dạy thêm thì có lý do giải thích là nhà trường chỉ đáp ứng theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh mà thôi. Giờ, khi có quy định mới cấm “ngặt” hơn nữa việc dạy thêm, các trường lại “hóa giải” bằng cách thông qua các trung tâm gia sư để “thuê” chính các thày cô trong trường dạy thêm cho học sinh. Học sinh đi học thêm ở trung tâm gia sư thì không thể bắt bẻ gì được các giáo viên và BGH nhà trường rồi. Đúng thật là quy định chặt đến đâu các thày cô, nhà trường vẫn có cách lách luật hết sức ngoạn mục.
Hay như việc liên kết đào tạo tiếng Anh trong các trường tiểu học và THCS, kể cả THPT. Về nguyên tắc, tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình dạy học, có nghĩa là hoàn toàn miễn phí. Song, không ít trường lại liên kết với các trung tâm đào tạo ngoại ngữ ở ngoài để kiếm tiền của phụ huynh học sinh. Ở một số trường, có một số lớp mà Ban Giám hiệu bắt buộc phụ huynh học sinh phải đóng tiền học tiếng Anh liên kết với trung tâm ngoài, nếu không chấp nhận thì buộc phải chuyển con em sang học lớp khác. Không ít phụ huynh vì muốn cho con em học ở lớp có nhiều bạn bè học tốt, giáo viên nhỉnh hơn về chuyên môn sư phạm, thì buộc phải “nghiến răng” nộp tiền học thêm tiếng Anh liên kết giữa nhà trường và trung tâm ngoại ngữ. Nhiều phụ huynh học sinh khẳng định, chất lượng đào tạo tiếng Anh liên kết rất thấp, không mang lại hiệu quả.
Hẳn chưa ai quên việc mới đây, không ít trường đã “độn” rất nhiều sách tham khảo vào SGK để bán cho học sinh. Ban Giám hiệu nhiều trường đã nhấm nháy với đơn vị phát hành sách trộn khá nhiều sách bổ trợ, sách tham khảo vào các bộ SGK để bán kèm. Có trường học sinh lớp 1 phải “cõng” lên đến 23 đầu sách, đi ngược với mục tiêu giảm tải, giảm áp lực học hành cho học sinh. Do sự nhập nhèm, không rõ ràng đâu là SGK bắt buộc phải mua, đâu là sách tham khảo, bổ trợ nên nhiều phụ huynh đã phải bỏ ra số tiền lớn, từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng để mua bộ sách lớp 1 cho con. Nhiều trường bán SGK theo kiểu “combo”, nghĩa là một bộ bao gồm vài quyển SGK và rất nhiều sách bổ trợ, tham khảo, thậm chí là cả đồ dùng học tập như thước kẻ, chì, tẩy... mua thì mua, không mua thì thôi. Nhưng đố phụ huynh nào dám nói không đấy.
Liên quan đến vấn nạn “bia kèm lạc” trong việc bán SGK cho học sinh ở không ít trường, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có lợi ích nhóm liên quan đến sách tham khảo, bổ trợ. Ông Thuyết đề nghị cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là Bộ GD-ĐT cần cấm tất cả các loại sách tham khảo ở bậc tiểu học, bởi các cháu bé như thế thì tham khảo cái gì, cần gì tham khảo.
Học sinh trở thành “đầu gấu”
Mới đây thôi, xảy ra vụ một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Hội Sơn (xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) bị một nhóm bạn đánh hội đồng ngay tại cổng trường, rồi quay video clip post lên mạng xã hội. Điều tệ nhất là nhiều học sinh Trường THCS Hội Sơn cùng chứng kiến sự việc, nhưng chỉ đứng xem mà không có bất cứ em nào vào can ngăn các bạn. Được thể, nhóm nữ sinh gồm khoảng 3 người đánh liên tiếp vào mặt, đầu của bạn gái cùng trường. Do yếu thế nên nạn nhân không thể chống trả, chỉ biết ôm đầu chịu trận. Khi đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội, cộng đồng mạng đã hết sức phẫn nộ, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh hành vi côn đồ của các nữ sinh đánh bạn trong video clip.
Đau lòng ở chỗ, nguyên nhân dẫn đến việc L.N.A bị đánh hội đồng lại hết sức đơn giản, chỉ là sự hiểu nhầm không có mâu thuẫn gì to tát. Cụ thể, khi nhóm nữ sinh “đầu gấu” khen một chiếc áo mẫu mới ra đẹp, L.N.A lại chê mẫu áo này hơi mỏng, nếu mặc thì hở hang quá. Cho rằng bạn nói như thế là chê mình hư hỏng nên nhóm nữ sinh đã quyết định dạy cho cô bạn cùng lớp một bài học. Đáng tiếc là sự việc diễn ra tại cổng trường nhưng không chỉ có học sinh đứng xung quanh xem “trò vui”, mà không có bất cứ giáo viên nào của Trường THCS Hội Sơn kịp thời phát hiện, giải quyết. Dư luận đặt câu hỏi, ngay tại cổng trường mà nữ sinh còn bị đánh hội đồng như vậy, thử hỏi trên đường thì sẽ xảy ra vấn đề gì với em này?
Nữ sinh L.N.A. không phải là trường hợp duy nhất, cũng chẳng phải đầu tiên bị các bạn đánh hội đồng. Trước đó còn rất nhiều vụ việc các em học sinh bị bạn đánh hội đồng đến mức sợ không dám đi học, thậm chí bị thương tổn sức khỏe, tinh thần trầm trọng. Mới tháng 6 vừa qua, cũng tại tỉnh Nghệ An, lại là một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Hưng Thái Nghĩa (xã Nam Thái, huyện Nam Đàn) đã bị nhóm bạn lôi vào rừng đánh hội đồng hết sức dã man. Nhiều người lớn đứng vây quanh để xem nhưng không ai ngăn cản, một học sinh thì lấy máy điện thoại quay phim rồi tung lên mạng xã hội. Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An khẳng định, dù vụ việc xảy ra bên ngoài, nhưng Trường THCS Hưng Thái Nghĩa vẫn phải chịu trách nhiệm và yêu cầu BGH trường này kiểm điểm.
Lời kết
Qua hàng loạt vấn đề nổi cộm đã và đang diễn ra trong các trường tiểu học, THCS, TPHT trong thời gian vừa qua đã cho thấy những lỗ hổng lớn về quản lý trong ngành giáo dục. Việc thày cô giáo, BGH các trường chỉ lo nghĩ đến việc làm sao có thể thu thật nhiều tiền, sẽ dẫn đến phân tâm trong giáo dục kiến thức và đạo đức cho học sinh. Mặt khác, khi mà thầy cô giáo nêu gương xấu thì làm sao có thể giáo dục học sinh chăm ngoan, học giỏi đây? Điều đó khiến dư luận xã hội lo lắng đặt câu hỏi: Bao giờ vấn nạn lạm thu, độn sách... trong các nhà trường nói riêng, ngành giáo dục nói chung mới hết đây? Có trời mới biết được!