Chính phủ Mỹ kiện Google độc quyền
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google đã củng cố vị trí độc quyền của mình thông qua các thỏa thuận với các nhà sản xuất thiết bị, để đảm bảo các ứng dụng và dịch vụ của họ được hiển thị nổi bật.
Theo giới quan sát, mô hình kinh doanh dựa trên các dịch vụ miễn phí và quảng cáo của Google sẽ bị thách thức trong vụ kiện chống độc quyền mang tính bước ngoặt do Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình vào tuần này.
Tuy nhiên, phía Chính phủ cũng có thể phải đối mặt với những thách thức khi chứng minh các cáo buộc chống lại “đại gia” công nghệ này.
Dịch vụ của Google: Miễn phí hay có phí?
Từ một công cụ tìm kiếm trên mạng Internet thời kỳ sơ khai, Google đã phát triển thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất thế giới bằng cách tận dụng công cụ tìm kiếm của mình cho một mạng lưới các dịch vụ như bản đồ, email, mua sắm và du lịch, qua đó cung cấp thêm nhiều dữ liệu cho tập đoàn để thúc đẩy hoạt động quảng cáo kỹ thuật số.
Dữ liệu do Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp cho thấy Google hiện kiểm soát 88% các yêu cầu tìm kiếm tại nước này, với thị phần trên thị trường di động là 94%. Bộ trên lập luận rằng Google đang củng cố vị thế độc quyền thông qua các giao dịch "loại trừ sự tham gia của các bên khác.”
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google đã củng cố vị trí độc quyền của mình thông qua các thỏa thuận với các nhà sản xuất thiết bị, để đảm bảo các ứng dụng và dịch vụ của họ được hiển thị nổi bật và đôi khi thậm chí không thể bị xóa.
Các chuyên gia pháp lý chỉ ra thực tế rằng Chính phủ Mỹ khó chứng minh hành vi của Google là bất hợp pháp theo tiêu chuẩn "đảm bảo lợi ích người tiêu dùng" như từng áp đặt đối với các vụ kiện chống độc quyền trước đây. Vì các dịch vụ của Google phần lớn là miễn phí.
Bà Avery Gardiner, cựu luật sư chuyên về các lĩnh vực chống độc quyền tại Mỹ, cho biết bằng cách bỏ qua vấn đề giá cả mà tập trung vào chất lượng và sự đổi mới, Chính phủ dường như đang bỏ qua câu hỏi liệu Google có mang lại lợi ích cho người tiêu dùng bằng cách cung cấp các dịch vụ miễn phí hay không.
Mặc dù đó không hoàn toàn là một chiến lược mới, nhưng các cơ quan chống độc quyền Mỹ trước đây đã tỏ ra miễn cưỡng khi tiến hành các vụ kiện nếu không có bằng chứng về tác động của giá cả.
Trong khi đó, ông Christopher Sagers, một giáo sư luật của Đại học bang Cleveland, cho biết các dịch vụ miễn phí của Google không có khả năng là một trở ngại nghiêm trọng đối với chính phủ.
Theo ông Sager, dịch vụ tìm kiếm của Google không được thực sự coi là miễn phí. Mỗi lượt tìm kiếm có thể được coi là một giao dịch, trong đó người tiêu dùng chú ý đến các quảng cáo để đổi lấy kết quả tìm kiếm. Giáo sư Sagers nhận định một yếu tố quan trọng của vụ kiện lần này là việc quảng cáo trên mạng Internet không phải một sản phẩm mà Google cung cấp miễn phí.
Tiền lệ từ Microsoft
Ông Maurice Stucke, Giáo sư luật của Đại học Tennessee chuyên về chống độc quyền, cho biết vụ kiện này không dựa trên giá cả mà là "tác hại đối với quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu và việc sử dụng dữ liệu của người tiêu dùng."
Giáo sư Stucke cho biết các luật sư của Chính phủ đã nhắc lại vụ kiện Microsoft từ hai thập kỷ trước đó. Mặc dù Chính phủ thất bại trong việc buộc hãng này phân tách hoạt động kinh doanh, song vụ kiện đó đã mang đến một môi trường công nghệ cởi mở hơn đáng kể vì các đối thủ cạnh tranh không còn phải hoạt động dưới cái bóng của Microsoft nữa.
Tuy nhiên, chuyên gia Asheesh Agarwal của tổ chức tư vấn TechFreedom lại nhận định việc sử dụng vụ kiện Microsoft như tiền lệ cho cuộc điều tra của Google là không phù hợp.
Ông Agarwal cho biết ngày nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng nhiều trang web và ứng dụng khác để tìm kiếm, đặc biệt là để tìm kiếm những hàng hóa và dịch vụ cụ thể. Ông nhấn mạnh đây không phải là những năm 1990, khi người tiêu dùng phải đến cửa hàng và trả 100 USD để tìm một giải pháp thay thế cho bộ ứng dụng Microsoft Office.
Nhà phân tích công nghệ độc lập Richard Windsor cho biết lập luận cho vụ kiện chống lại Google có vẻ mạnh mẽ, nhưng biện pháp khắc phục khả thi nhất không phải là chia tách doanh nghiệp mà là các biện pháp nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng hơn trên thị trường. Điều này có thể bao gồm việc cho phép các dịch vụ và ứng dụng không phải của Google có vị trí nổi bật hơn trên cửa hàng ứng dụng Google Play.
Ông Windsor cho biết trong một bài đăng trên blog rằng công bằng mà nói, các dịch vụ trong hệ sinh thái kỹ thuật số của Google là tốt nhất trong nhiều danh mục khác nhau. Tuy nhiên, Google đã buộc các nhà sản xuất thiết bị cầm tay phải đặt chúng ở vị trí ưu tiên và mặc định trên thiết bị của họ, qua đó cản trở hoạt động cạnh tranh từ các đối thủ khác.
Hiện có 11 bang tại nước Mỹ (gồm Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas) tham gia vụ kiện chống lại Google. Vụ kiện được cho là có thể kéo dài nhiều năm và hiện chưa rõ Chính phủ Mỹ sẽ tìm kiếm giải pháp nào cho vụ kiện này.
Giới quan sát cho rằng bất kỳ thỏa thuận dàn xếp nào, dù do tòa án áp đặt hay được Google đồng ý, đều có thể liên quan đến những thay đổi đối với phương thức kinh doanh hoặc biện pháp khắc phục "mang tính cơ cấu" - còn có nghĩa là sự phân tách hoạt động của Google.