Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Hay thì học, dở thì tránh

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện ) 23/10/2020 17:00

Tôi tin rằng, luôn có một hơi thở, một linh hồn, một giá trị, một vỉa tầng sâu sắc và trầm lắng, chậm rãi chảy trong đời sống Hà Nội, cho dù nó có phát triển đến đâu đi nữa.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, để lại dấu ấn văn chương của mình với nhiều tác phẩm về vùng đất ấy, nhưng rồi Hà Nội như một thỏi nam châm níu giữ chị ở lại, gắn bó và viết thêm những tác phẩm mới, kể những câu chuyện về đất và người Hà Nội. Đỗ Bích Thúy chia sẻ:

Hồi mới về Hà Nội, tôi tiếp xúc rất ít với người Hà Nội, vì mặc cảm mình quê mùa, đã thế vốn dĩ lại nhút nhát. Hình dung của tôi về người Hà Nội cũng chỉ có một, mà sau này thì tôi nhận ra là hóa ra người Hà Nội vốn dĩ cũng nhiều dung mạo khác nhau, cũng có người nọ người kia.

Tôi từng sống trong một gia đình có nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, và tôi buộc phải thích nghi với lối sống của họ. Nói thật là có nhiều cái hay nhưng cũng không ít cái dở. Và tôi chọn cách cái gì hay thì học, cái gì dở thì tránh. Ví dụ như tôi học các bà cô bà chị cách nấu ăn, cách bày biện mâm bát, chăm chút nhà cửa, cách ứng xử kĩ lưỡng, thận trọng, tôn ti trật tự đâu ra đấy rất chặt chẽ. Còn cái dở như kiểu giữ vỉa hè làm của riêng nhà mình, hay là chao chát nhấc lên đặt xuống dù chỉ mua mấy đồng hành… thì tôi tránh.

Tôi đã từng chuyển nhà 9 lần, qua 6 quận của Hà Nội trong vòng hơn 20 năm qua. Từng sống ở khu phố cũ, cũng từng sống ở Thanh Xuân, Cầu Giấy, giờ thì sang tận bên kia sông. Tôi ấn tượng nhất là câu nói “sang Hà Nội” của người dân nơi tôi ở bây giờ, là khu Gia Lâm - Long Biên. Nói thật, tôi thích sống ở nơi hiện tại hơn. Đủ gần để đi tới những nơi thường đến, và đủ xa để có một không gian yên tĩnh. Tôi cũng yêu những cây cầu bắc qua sông Hồng nữa. Sự khác biệt lớn nhất có lẽ là không khí để… thở. Khi ở trong khu phố cũ, tôi từng sống trong 16m2 với 7-8 con người. Con tôi ngày ngày lấy vỉa hè làm nơi vui chơi. Có con chó bé xíu cũng phải mang ra buộc ở gốc cây. Một ngày 24 tiếng hầu như không có một giờ nào tĩnh lặng. Còn ở bên kia sông, tôi có một không gian sống khác. Có nắng, có gió, có cỏ cây, và ngày ngày nhìn thấy dòng sông. Chợ búa bên này cũng rẻ hơn, người mua người bán chất phác, giản dị hơn. Sáng ra có trót hỏi gì mà không mua cũng không bị… đốt vía.

Nhưng cũng có vài thói quen hình thành từ khi ở trong khu phố cũ đến giờ tôi thấy vẫn hơi khó sửa. Ví dụ như vài món vốn đã ăn quen miệng thì nếu muốn ăn lại phải quay về đúng chỗ vẫn thường ăn để mua, thậm chí nếu phải ăn ở chỗ khác thì thà nhịn còn hơn. Hoặc hiệu may áo dài, đi xa đến mấy cũng phải quay về đấy để may. Hoặc hàng giò chả quen, muốn ăn cũng phải lấy xe máy phóng sang để mua, mặc dù đấy là món phổ biến chợ nào chả có… Phố cũ có cái đặc điểm là cư dân lâu đời, sành ăn, nên đến cả những gánh hàng rong cũng ngon, không ngon thì lỗ vốn về quê sớm. Cũng không phải đắt đỏ hay sang trọng gì, nó chỉ là cái thói quen ăn uống thôi.

Tôi thích nhất Hà Nội ở những điều nhỏ bé, tinh tế mà tự tôi từ từ khám phá ra. Là những thứ mà nếu vội vã lướt qua thì nó sẽ trôi đi mất như bất kì phố xá, đô thị nào. Nhưng vì tôi thích quan sát, tôi chăm chú quan sát, nên có thể cảm nhận được những điều thuộc về Hà Nội nghìn năm vẫn còn ẩn hiện đâu đó trong đời sống. Ví như tôi luôn nghĩ về những người phụ nữ Hà Nội xưa, qua hình ảnh bà bác ruột của các con tôi. Bác ấy nhỏ nhắn, nghèo nhưng lúc nào cũng ăn mặc tinh tươm. Đi ra khỏi nhà dù chỉ mua mớ rau cũng phải thay chiếc áo cánh, chải đầu thật cẩn thận. Bác ấy nấu ăn rất ngon, rất cầu kì. Đấy thực sự là một nguyên mẫu đầy chất văn học mà tôi nghĩ rằng chỉ cần bê y nguyên vào sách, không cần phải thêm nếm gì là cũng có một nhân vật hoàn chỉnh Hà Nội.

Ai đó nói không ưa Hà Nội, Hà Nội hôm nay “biến chất” rồi, tôi thì bỗng có một ngày nhận ra khi xa Hà Nội mình đã cảm thấy nhớ. Như thế là mình đã thực sự yêu Hà Nội rồi đấy. Mặc dù hai chục năm trước tôi luôn nghĩ rằng Hà Nội chỉ là nơi ở trọ, nơi mà mình không bao giờ thuộc về. Giờ thì tôi tin rằng, luôn có một hơi thở, một linh hồn, một giá trị, một vỉa tầng sâu sắc và trầm lắng, chậm rãi chảy trong đời sống Hà Nội, cho dù nó có phát triển đến đâu đi nữa.

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện )