Làm nghiêng, nứt nhà dân nhưng đền bù còn chờ 'trên duyệt'
Xây trụ sở là nứt, nghiêng nhiều nhà dân bên cạnh nhưng chủ đầu tư chỉ phát cho người dân... một quyển tài liệu.
Mới đây, phản ánh tới Đại Đoàn Kết Online, 14 hộ dân ở đường Tô Hiệu và ngõ phố Cửa Trường, phường Ngô Quyền, TP Nam Định cho hay họ đang sống trong cảnh bất an vì quá trình thi công công trình trụ sở Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh TP Nam Định đã làm nhà ở của họ bị lún, nứt, nghiêng.
“Không đủ tiền sơn lại”
Tại hiện trường, ngay mặt đường Tô Hiệu, PV ghi nhận công trình trụ sở Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh TP Nam Định đã được thi công tới tầng 3.
Theo thông tin được công khai tại công trường, công trình do Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư; Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng (Sở xây dựng Nam Định) làm Tư vấn Quản lý dự án; Công ty CP tư vấn Kiến trúc xây dựng là đơn vị tư vấn thiết kế; Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và Kiểm định công trình làm tư vấn giám sát. Đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng và phát triển nhà Vạn Xuân.
Tại nhà ông Nguyễn Minh Nguyên, số 34, đường Tô Hiệu, nằm ngay sát phía đông công trình đang xây dựng, PV ghi nhận ngôi nhà mới chỉ được xây dựng cách đây gần 10 năm, cao 3 tầng, rất hiện đại, kiên cố. Tuy nhiên, theo chủ nhà, từ tháng 2/2020 (sau Tết âm lịch), khi công trình trụ sở ngân hàng ở liền kề bắt đầu được thi công, đào móng, đóng cọc, căn nhà của ông xuất hiện tình trạng tường nhà ở nhiều vị trí bị nứt, đặc biệt ngôi nhà bị lún, nghiêng hẳn về phía công trình trụ sở ngân hàng.
“Nhà cao tầng, kiên cố mà những ngày mưa vừa qua nước mưa theo các vết nứt chảy vào nhà, tôi phải phải dùng xô, chậu để hứng...”, ông Nguyên bức xúc.
Tại nhà ông Trần Quang Thoại ở số 2/41, đường Tô Hiệu (đứng tên chủ hộ là Trần Hoàng Anh-con trai ông Thoại), nằm sát phía tây công trình đang xây dựng, PV ghi nhận ngôi nhà cấp 4 này bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ công trình xây dựng liền kề, đang trong tình trạng... sắp sập.
Theo chân ông Thoại đi vòng quanh trong ngoài ngôi nhà, PV ghi nhận rất nhiều điểm trên tường hai bên hông nhà bị nứt rộng, có mấy điểm vết nứt kéo dài đến vài mét.
Ở phía sau công trình, bà Nguyễn Thị Quế (số nhà 11/19, phố Cửa Trường), một cựu Thanh niên xung phong cũng đang sống trong những ngày bất an. Theo đó, kể từ khi công trình trụ sở ngân hàng trên được xây dựng, tường nhà chính của bà cũng bị nứt mấy điểm, có đoạn nứt nằm ngay gần bàn thờ chồng bà Quế. Mấy hộ dân sống liền kề nhà bà Quế cũng trong tình trạng tương tự, tường nhà bị nứt ở các mức độ khác nhau.
Theo các hộ dân, sau khi sự cố gây lún, nứt nhiều nhà dân xung quanh xảy ra, phía chủ đầu tư là Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định có thuê Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng-Sở xây dựng Nam Định (cũng chính là đơn vị được thuê Tư vấn Quản lý dự án) xuống khảo sát hiện trạng.
Vào ngày 15/6, tại trụ sở UBND phường Ngô Quyền, phía chủ đầu tư có cuộc họp, đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng. Tại đây, các hộ dân nêu đề xuất phía chủ đầu tư công trình phải có trách nhiệm đền bù thỏa đáng.
Tuy nhiên, theo các hộ dân, sau đó, ngoài trường hợp hộ ông Trần Quang Thoại (có nhà ở bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất) được phía chủ đầu tư hỗ trợ tiền thuê nhà ở trong quá trình giải quyết sự cố, từ đó đến nay, phía chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho thi công công trình nhưng không có thêm bất cứ một cuộc gặp gỡ, đối thoại nào với người dân bị ảnh hưởng để bàn thảo, thỏa thuận, triển khai việc đền bù, khắc phục sự cố, kéo dài thêm những ngày tháng sống trong tâm trạng bất an của họ.
“Họ chỉ phát cho mỗi hộ một quyển tài liệu, trong đó có phương án sửa chữa và dự toán kinh phí sửa chữa từng hộ, nhà thì 3 triệu, nhà thì mươi, mười lăm triệu. Như nhà tôi, cả ngôi nhà cao tầng vừa bị lún, bị nứt vừa bị nghiêng nhưng họ chỉ tính chi phí khắc phục chưa đến 54 triệu đồng thì không đủ tiền sơn lại”, ông Nguyễn Minh Nguyên bức xúc.
“Không đồng tình, người dân cứ kiện ra tòa”
Liên quan đến sự việc, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, ông Trịnh Tiến Dũng, nhân viên Phòng tổng hợp, theo dõi xây dựng cơ bản của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định (người được Giám đốc chi nhánh giới thiệu làm việc) cho biết, khi sự cố xảy ra, Ngân hàng đã thuê Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng Nam Định) khảo sát mức độ thiệt hại, lên phương án khắc phục, dự toán kinh phí.
Mức dự toán đưa ra được căn cứ theo các quy định hiện hành của nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các hộ dân chưa đồng ý mức đền bù.
"Trong khi chúng tôi phải tổng hợp được tổng mức kinh phí đền bù, trình Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam phê duyệt rồi mới có thể triển khai việc đền bù”, ông Dũng cho biết đồng thời khẳng định: “Nếu người dân không đồng tình với mức giá đền bù trên thì cứ kiện ra tòa”.
“Bên tư vấn thiết kế bảo không ảnh hưởng gì!”
Ông Vũ Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Công ty CP xây dựng và phát triển nhà Vạn Xuân (đơn vị thi công) cho biết, trước khi nhận thi công công trình, phía nhà thầu đã khuyến cáo đơn vị tư vấn thiết kế việc thiết kế công trình hết đất, quá sát nhà dân có thể không đảm bảo an toàn.
“Tuy nhiên, phía thiết kế khẳng định không ảnh hưởng gì”, ông Ánh thông tin và khẳng định, quá trình thi công nhà thầu đã làm đúng quy trình, quy chuẩn.
Đại Đoàn Kết Online ghi lại một số hình liên quan đến sự cố: