Giã biệt kỳ nhân võ thuật, Nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh
Rạng sáng ngày 22/10, võ sư, nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh (tên thật là Lý Kim Tuyền) đã qua đời tại nhà riêng ở TP HCM sau nhiều năm chống chọi bệnh tật, hưởng thọ 78 tuổi.
Sinh thời, ngay từ khi còn khá trẻ trước năm 1975, ông đã được mệnh danh là kỳ nhân võ thuật miền Nam với nhiều chiêu thức danh bất hư truyền.
Sau này, khi thành lập môn phái võ thuật Huỳnh Tiền, ông cũng đào tạo được nhiều đệ tử danh tiếng đi đấu với các võ sĩ người Thái, người Phi, người Mỹ thời bấy giờ.
Chào đời năm 1942 tại huyện Bình Minh (Vĩnh Long) trong một gia đình gốc Hoa kiều có truyền thống võ học nên không lạ khi sự nghiệp võ thuật của Lý Huỳnh bắt đầu từ rất sớm.
Thủa nhỏ, ông học võ cùng cha và nhiều môn phái khác như thiếu lâm, tây sơn hay quyền anh. Khi mới 15 tuổi (năm 1957) ông đã thượng đài đánh võ quyền Anh, từng thắng nhiều đối thủ danh tiếng thời đó.
Một trong những trận thắng làm nên tên tuổi của ông là với võ sĩ châu Phi từng vô địch trong quân đội Pháp. Tới năm 1965, ông mở võ đường ở Sài Gòn, đào tạo ra nhiều võ sĩ giỏi. Từ năm 1972 tới năm 1989, ông bắt đầu tham gia đóng nhiều bộ phim võ thuật và tỏ ra rất thành công, được nhiều khán giả mến mộ.
Quyết định mang võ thuật thực chiến vào điện ảnh cũng giúp ông trở thành người của công chúng trong vai trò của đạo diễn, diễn viên. Ngoài những bộ phim trong nước, ông còn hợp tác với những nhà sản xuất điện ảnh ở Đài Loan, Hồng Kông…
Do xuất thân từ nghề võ, nhiều phim Lý Huỳnh tham gia gắn liền với chiến tranh. Trong đó, các phim như Long hổ sát đấu, Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709 hay Mùa gió chướng, Hòn đất… mà ông tham gia đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Ngoài ra, Lý Huỳnh còn được biết đến trong vai trò đạo diễn, sản xuất phim của các bộ phim Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái, Thăng Long đệ nhất kiếm, Nước mắt học trò, Tây Sơn hào kiệt…
Đây đều là các bộ phim được sản xuất khi tên tuổi của ông đã trở thành quen thuộc với khán giả. Nhiều lần chia sẻ về nghề diễn, Lý Huỳnh bảo võ thuật trong phim ảnh thực ra không khác võ thuật ngoài đời thực.
Ông là người chủ trương đưa những cảnh võ thuật có tính thực tiễn vào phim, không chỉ làm sống động cảnh quay mà còn khiến cho bộ phim có sự chân thực, không phải làm kỹ xảo.
Sau nhiều năm miệt mài với nhiều loại hình nghệ thuật cùng những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993.
Đến năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, một trong những danh hiệu cao quý của người nghệ sĩ. Sự ra đi của nghệ sĩ Lý Huỳnh đã để lại vô vàn tiếc thương cho đồng nghiệp, bè bạn, người quen của ông và cả những khán giả màn ảnh nhỏ.
Theo đại diện gia đình nghệ sĩ Lý Huỳnh, lễ viếng ông bắt đầu từ 15h ngày 22/10 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM). Lễ động quan vào 10h sáng 24/10, sau đó linh cữu được an táng tại nghĩa trang Phúc An Viên (Quận 9, TP HCM).