Mặt trận cùng người dân vượt qua hoạn nạn
Đó là lời chia sẻ của ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Cứu trợ Trung ương khi dẫn đầu đoàn công tác về thăm hỏi và chia sẻ với bà con vùng lũ Quảng Bình.
Đảng, Nhà nước và Mặt trận luôn đồng hành với người dân
Lũ dữ đi qua, nắng đã lên và bầu trời không còn nhiều u ám, nhưng những gì lũ để lại mới thật tang thương, ngổn ngang.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh vốn ở trên một cồn cát cao, hàng chục năm nay chưa bao giờ lũ vươn tới được, nhưng trận lũ vừa qua dìm 2/3 ngôi nhà của gia đình chị chìm trong biển nước.
Trong quá trình chạy lũ, chồng chị là anh Nguyễn Văn Song đã cố gắng vận chuyển tài sản của gia đình và bà con hàng xóm đến nơi cao hơn, nhưng do quá kiệt sức, anh Song bị đuối nước, không qua khỏi.
Dưới lán nhà tạm dựng lên để lập bàn thờ cho chồng, chị Hồng nói trong nước mắt, “chồng tui mất mà không có chỗ để thờ, vì nhà ngập hết nên gia đình đành phải lập một bàn thờ tạm cho anh ở đụn cát cao sau nhà, khi nào nước rút hết mới đưa anh về nhà được”.
Nỗi đau còn bao trùm lên cả căn nhà của anh Hoàng Văn Đức, ở thôn 3 Thanh Tân, xã Thanh Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Trong lúc chạy lũ, hai đứa con anh một đứa 10 tuổi, một 7 tuổi đã rơi xuống dòng lũ dữ.
Ngôi nhà dù đông đảo tiếng người đến thăm hỏi, sẻ chia, nhưng chỉ có vợ anh Đức nằm bất động giữa nhà, đôi mắt vô hồn mở to, hoang lạnh nhìn vào không trung vì nỗi đau quá lớn.
Chia sẻ trước những mất mát của các gia đình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã động viên các gia đình nén đau thương, vượt qua mất mát để tái thiết lại cuộc sống.
Gia Ninh cũng như nhiều xã của huyện Quảng Ninh đã trải qua đợt lũ lịch sử chưa từng có trong vài chục năm trở lại đây. Nói như lãnh đạo của các xã thì đây là trận lũ khác biệt hoàn toàn, khác với dự báo và khác với quy luật hàng năm.
Sau lũ, 12 ngàn hộ dân của xã Gia Ninh hầu như không còn tài sản, thiệt hại nặng nề. Cũng như vậy, sau lũ, 15 ngàn hộ dân của xã Thanh Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ trắng tay. Nơi nào đoàn công tác đi qua cũng bộn bề lo toan khi nhìn về giai đoạn tái thiết ở phía trước. Nhưng nơi nào cũng thấm đẫm tình người sẻ chia.
Khi đoàn công tác đến trụ sở UBND xã Thanh Thuỷ, rất nhiều người dân ở đây đã đến bắt tay Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh và gửi lời cảm ơn Mặt trận.
Chia sẻ với những thiệt hại của bà con vùng lũ, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, Đảng, Nhà nước và Mặt trận luôn đồng hành với người dân để vượt qua hoạn nạn.
Làm việc với tinh thần thời chiến
Theo bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, trận lũ vừa qua đã xô đổ mọi kỷ lục về lũ lụt ở Quảng Bình. Nhưng cũng trong trận lũ vừa qua, chưa khi nào tình đoàn kết, tương thân tương ái lại được phát huy cao độ như vậy.
Bà Phạm Thị Hân chia sẻ: “Chúng tôi làm việc với tinh thần như trong thời chiến. Ngày nào cũng có hàng tấn hàng hoá gửi về Mặt trận. Tất cả cán bộ công nhân viên của Mặt trận Quảng Bình căng mình “một người làm nhiều việc”. Nghe điện thoại bằng hai tai. Vừa tiếp nhận ủng hộ, vừa bốc vác hàng hoá, vừa chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cứu trợ, vừa hướng dẫn các đoàn cứu trợ, cá nhân từ thiện đi về các địa phương”.
Nếu như trong mưa lũ, cán bộ Mặt trận Quảng Bình làm việc trên tinh thần vừa cứu hộ vừa đảm bảo dân không bị đói thì ngay sau nước rút, Mặt trận phối hợp với các ngành địa phương, gom các mặt hàng từ tất cả các siêu thị, đặt hàng từ các nơi khác để cấp phát cho các địa phương cứu đói cho dân; đồng thời phân bổ cứu trợ khẩn cấp về các địa phương.
Cho đến thời điểm này Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã phân bổ hỗ trợ khẩn cấp 8,6 tỷ đồng về các địa phương.
Đặc biệt, theo bà Phạm Thị Hân, vai trò Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư rất quan trọng, họ là những người nắm rõ gia cảnh các gia đình bị thiệt hại để cung cấp danh sách cho công tác phân bổ hỗ trợ, đảm bảo không sai sót.
“Tất cả chúng tôi đều làm việc hết công suất, điện thoại rung chuông cả ngày lẫn đêm, nhiều lúc thèm “một miếng ngủ” nhưng lại phải vùng dậy đi làm vì tấm lòng bà con đang hướng về miền Trung, vì đồng bào quê hương đang trông chờ cứu trợ”, bà Phạm Thị Hân chia sẻ.
Lũ dữ đi qua nhưng đã quét sạch tài sản. Cho nên, theo bà Phạm Thị Hân, cứu trợ lúc này là cứu đói và những nhu yếu phẩm thiết yếu khác nhưng lâu dài phải tính đến hỗ trợ sinh kế cho người dân, nhất là những mô hình tạo sinh kế để thoát nghèo.
Phân bổ cứu trợ để dân yên tâm, tin tưởng
Chia sẻ với những thiệt hại và mất mát của người dân Quảng Bình, cũng như đội ngũ cán bộ Mặt trận ở nơi này đã phải vượt lên rất nhiều gian khó để thực hiện nhiệm vụ của mình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh bày tỏ trăn trở khi nhìn về phía trước, với những khó khăn mà người dân Quảng Bình sẽ phải đối mặt.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, ở vào thời điểm này, việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại là quan trọng nhất. Trong đó có những việc cần phải được quán triệt thực hiện nghiêm túc.
Đó là việc quán triệt tinh thần Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
“Nghị định 64 đã quy định rất rõ vai trò của không chỉ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể mà còn một số cơ quan, sở ban ngành. Mặt trận là chủ trì vận động hỗ trợ và cũng chủ trì tiếp nhận, phân bổ. Nhưng một mình Mặt trận không thể làm được mà cần có sự phối hợp tổng lực từ các lực lượng, từ Trung ương tới địa phương, từ tỉnh cho đến từng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan nhà nước. Do đó phải có sự phân việc rõ ràng trong công tác quản lý, phân bổ cho đến cứu trợ”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình cần quán triệt Công điện của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ của các tỉnh miền Trung.
Công điện yêu cầu, Ban Dân vận Trung ương, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân huy động các lực lượng, đặc biệt là các lực lượng xung kích ở cơ sở, huy động và phân bổ các nguồn lực một cách phù hợp, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Nhắc tới những khó khăn mà người dân miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh, sự hưởng ứng của nhân dân từ Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Lời kêu gọi của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại chương trình “Cả nước chung tay Vì người nghèo” năm 2020 hướng về miền Trung.
Những ngày qua nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã ủng hộ ngày lương cùng rất nhiều hiện vật để thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương gửi tới bà con vùng lũ.
Nhiều cá nhân tổ chức đã về Quảng Bình và các tỉnh miền Trung để trực tiếp hỗ trợ chia sẻ với đồng bào. Đó là những tấm lòng đáng quý, đáng trân trọng.
Nhưng để quản lý phân bổ được các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, Mặt trận các cấp Quảng Bình cần nghiêm túc thực hiện Hướng dẫn công tác vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Đặc biệt Mặt trận các cấp nêu cao trách nhiệm giám sát theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ từ Công văn 8801. Trong đó, đề nghị Mặt trận chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng nhấn mạnh, cần phải tăng cường phối hợp với các lực lượng trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiểu đúng vai trò của Mặt trận từ tiếp nhận, quản lý, phân bổ cứu trợ cho đến giám sát những hoạt động liên quan.
“Có những địa bàn đã trải qua hỗ trợ ban đầu thì bây giờ là giai đoạn hỗ trợ để khôi phục, tái thiết lại cuộc sống, đảm bảo làm sao để người dân yên tâm, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong việc lo cho dân”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định.
Lũ dữ đi qua để lại muôn vàn khó khăn, do đó hơn lúc nào hết, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, mỗi cán bộ Mặt trận ở Quảng Bình cần chủ động hơn nữa trong công tác nắm tình hình nhân dân. Để chuẩn bị sinh kế lâu dài cho người dân vùng lũ, ông Hầu A Lềnh cũng cho rằng, những mô hình giảm nghèo cần tập trung nhiều hơn vào những vùng thường xuyên bị lũ lụt.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã trao số tiền 5 tỷ đồng cho Quảng Bình từ Ban Cứu trợ Trung ương; trao tặng biểu trưng 10 nhà Đại đoàn kết trị giá 400 triệu đồng cho UBND huyện Quảng Ninh; 10 nhà Đại đoàn kết trị giá 400 triệu đồng cho UBND huyện Lệ Thuỷ.
Cũng nhân dịp này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã đến thắp hương, viếng các liệt sĩ là người Quảng Bình đã hy sinh trong khi tham gia cứu nạn tại khu vực Thuỷ điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.
Ông Vũ Đại Thắng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình khẳng định, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và các tổ chức đoàn thể đã nỗ lực hết mình trong công tác cứu trợ. Từ Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng cũng gửi lời cảm ơn tới UBTƯ MTTQ Việt Nam và bày tỏ mong muốn Mặt trận tiếp tục đóng vai trò quan trọng của mình trong công tác huy động tiếp nhận hỗ trợ, cũng như giám sát hỗ trợ để đồng hành cùng với Quảng Bình nói riêng và các tỉnh ở miền Trung trong giai đoạn gian khó này.