Người nhiễm HIV phải thông báo cho bạn tình trước khi quan hệ

H.Vũ 24/10/2020 08:15

Ngày 23/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Vấn đề mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Điểm mới của Dự thảo luật lần này, theo ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đó là dự thảo luật bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Cụ thể, bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV cho người có quan hệ tình dục với mình để phòng lây nhiễm HIV cho người đó, và điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên tiếp cận truyền thông về HIV/AIDS.

Liên quan đến việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Chính sách này có liên quan và ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV. Việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt là quyền bảo mật thông tin của cá nhân và cần phù hợp với khuyến nghị của quốc tế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định mang tính chất nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Theo ĐB Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định) Dự thảo luật bổ sung quy định người bị nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV của mình với người có quan hệ tình dục với mình theo quy định pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên ông Nhất cho rằng “quy định như vậy là chưa chặt chẽ vì có trường hợp người bị nhiễm HIV cố tình lây nhiễm cho người khác”.

Do đó ông Nhất đề nghị cần quy định chặt chẽ để có cơ sở làm căn cứ để xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác. Đồng thời Dự thảo luật cũng cần quy định rõ về hình thức, và thời điểm thông báo để tránh trường hợp lợi dụng cố tình lây nhiễm HIV cho người khác.

Cùng chung quan điểm, ĐB Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) đưa ra phân tích: Dự thảo luật đã bổ sung chủ thể người tiếp cận thông tin nhiễm HIV là cần thiết để đảm bảo việc thực hiện quy định về quản lý nhà nước trong việc phòng chống HIV, phù hợp với thực tiễn và lợi ích của người nhiễm HIV. Đồng thời việc bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin cũng thống nhất với các quy định của Luật Khám chữa bệnh, và Luật Bảo hiểm y tế giúp cho người nhiễm HIV được tư vấn chăm sóc, điều trị sớm, bảo đảm sức khỏe cho họ, và dự phòng lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Tuy nhiên theo bà Yến, quy định này có liên quan đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Cho nên việc điều chỉnh chính sách này cần phải thể hiện được hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cũng không ảnh hưởng đến bí mật cá nhân, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV.

“Do đó để đảm bảo yêu cầu này cần quy định trách nhiệm của những người được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và phải giữ bí mật về thông tin người nhiễm HIV”.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình với người mà mình quan hệ tình dục. Đồng thời cần rà soát, bổ sung thêm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm do quan hệ gần gữi như dùng chung dụng cụ sinh hoạt.

Cho rằng Dự thảo “luật chưa thể hiện việc người nhiễm HIV sẽ thực hiện nghĩa vụ này như thế nào, nếu không thực hiện nghĩa vụ thông báo về tình hình kết quả xét nghiệm dương tính của mình về HIV thì sẽ ra sao?”, bà Hoa cho rằng điều này có ý nghĩa rất quan trọng liên quan trực tiếp đến quy định của Bộ luật Hình sự về tội lây HIV cho người khác.

H.Vũ