Dồi dào nguồn ‘tiền rẻ’

T.Hằng 24/10/2020 08:36

Do huy động tốt, cầu tín dụng thấp đã khiến các ngân hàng đang dồi dào một lượng tiền lớn. Tiền giá rẻ đang được bung ra.

Ảnh minh họa.

Thông tin mới nhất từ NHNN cho biết trong quãng thời gian từ ngày 12/10 đến ngày 13/10/2020, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-7,0%/năm. Đây là mức lãi suất huy động thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Các công ty chứng khoán cho biết, kể từ quý III đến nay, không chỉ lãi suất huy động và cho vay giữa ngân hàng với các tổ chức kinh tế và dân cư (thị trường 1) giảm, mà lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) cũng liên tục đi xuống.

Nguyên nhân chính đến từ việc thanh khoản của hầu hết nhà băng dư thừa. Ngoài ra, việc cơ quan quản lý tiền tệ một lần nữa giảm hàng loạt lãi suất điều hành từ đầu tháng 10 (lần thứ 3 trong năm) sẽ tiếp tục nối dài tình trạng dư thừa thanh khoản của ngân hàng thương mại. Điều này đồng nghĩa với xu hướng “tiền rẻ” vẫn chưa kết thúc trên thị trường liên ngân hàng.

Công ty chứng khoán SSI Research nhận định, dù dịch bệnh đã được kiểm soát và thị trường bước vào quý cuối năm - thường là cao điểm về nhu cầu vốn, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn yếu và thấp hơn khá nhiều (khoảng 2%) so với tăng trưởng huy động. Với xu hướng này, tiền đồng vẫn tiếp tục dư thừa trong hệ thống các ngân hàng, kéo theo lãi suất sẽ vẫn đi ngang ở vùng thấp từ nay đến cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng khẳng định, tín dụng tăng chậm trong khi vốn huy động vẫn ào ào chảy vào ngân hàng đang khiến ngân hàng dư thừa một lượng vốn lớn. Trong khi đó, việc đầu tư cho vay trên thị trường 2 không hiệu quả do lãi suất thấp kỷ lục, ngân hàng nào cũng dư thừa tiền, không có nhu cầu vay mượn lẫn nhau.

Báo cáo NHNN vừa gửi Quốc hội khẳng định, từ năm 2016 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 2-2,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8-1,5%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2,5%/năm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên.

Theo giới quan sát, trong giai đoạn lãi suất liên tục biến động như hiện nay, người dân thường chọn gửi tiền kỳ hạn ngắn, từ 6 tháng trở xuống để nghe ngóng tình hình hoặc lựa chọn kênh gửi tiết kiệm online để được hưởng lãi suất ưu đãi cộng thêm từ 0,1-0,3%/năm so với lãi suất tại quầy. Thậm chí một số ngân hàng lãi suất gửi tiết kiệm online nhiều kỳ hạn còn chênh lệch so với lãi tại quầy tới gần 1%/năm.

Mặc dù lãi suất tiền gửi đứng ở mức thấp nhưng theo các chuyên gia kinh tế, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn hấp dẫn trong giai đoạn này, là bởi lãi suất tiền gửi tuy giảm nhưng nếu khách hàng chọn kỳ hạn từ 1 năm trở lên vẫn có mức lãi suất khá hấp dẫn, khoảng 6,5%/năm.

T.Hằng