Xét công nhận GS, PGS 2020: Nâng trách nhiệm từ Hội đồng cấp cơ sở
Nếu ứng cử viên ở nơi khác gửi đến đăng ký thì Hội đồng thẩm định cấp cơ sở cũng khó nắm bắt được hết thông tin của họ. Liệu đó có phải là một lỗ hổng trong quy trình rà soát ứng viên hiện nay? Đó là quan điểm của GS. TSKH Đặng Ứng Vận, Ủy viên Hội đồng GS liên ngành năm 2019.
Rà soát kỹ hơn từ cấp cơ sở
Đối với sự việc 16 ứng viên GS, PGS ngành y và ngành dược năm 2020 bị tố gian dối về bài đăng báo quốc tế thời gian qua, GS Đặng Ứng Vận cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về Hội đồng cấp cơ sở đã chưa rà soát, thẩm định kỹ. Hội đồng cơ sở phải rút kinh nghiệm, đặc biệt là ở cấp trường cần phải rà soát trước vì hoàn toàn có đủ thời gian nghiên cứu trước khi đưa lên Hội đồng cấp cao hơn.
Mặc dù các tạp chí bây giờ nhiều cấp với nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, đều công khai cả trên internet rồi nên ứng cử viên có khai không đúng thì cũng có thể tra ra được ngay. Đây là trong trường hợp ứng viên thấy tạp chí quan trọng nhưng hội đồng thấy không đạt tiêu chuẩn thì tôi cho rằng cũng chưa vội kết luận là ứng viên gian dối. Cần hội đồng rà soát là vì thế.
GS Đặng Ứng Vận nhấn mạnh, lên đến Hội đồng GSNN không thể am hiểu hết về các ứng cử viên, thậm chí Hội đồng liên ngành cũng không thể, đặc biệt là các chi tiết đi vào quá trình hoạt động chuyên môn, các vấn đề trong cuộc sống của họ, các mối quan hệ…? Vì vậy, càng thấy được vai trò của Hội đồng cấp cơ sở, cụ thể là các trường, viện…
Hiện có 1 vấn đề đó là nếu như ở cấp cơ sở, các ứng cử viên ở nơi khác gửi đến đăng ký thì việc xét duyệt cũng khó chính xác hoàn toàn, trừ khi đó là ứng cử viên của cơ quan mình thì mới nắm được thân nhân của họ. Liệu đó có phải là một lỗ hổng không khi Hội đồng xét không nắm được hết thông tin về ứng cử viên do cả điều kiện khách quan và chủ quan là ứng cử viên không chủ động cung cấp thông tin đầy đủ? Đặc biệt là những kiện cáo tại cơ sở họ làm việc thì nơi gửi đến xét duyệt rất khó nắm bắt.
"Hiện nay, danh sách các ứng cử viên cũng như hồ sơ chi tiết của họ được đăng công khai trên website hdgsnn.gov.vn, tất cả mọi người đều có thể theo dõi, tìm hiểu cũng như danh sách Hội đồng thẩm định cũng đầy đủ. Nên tôi cho rằng tính minh bạch của việc thẩm định này là rất rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không có lùm xùm gì xảy ra thì thực tế, hình như cũng không có nhiều người để ý lắm đến danh sách này. Vì vậy, việc cả xã hội cùng giám sát và phát hiện những ứng cử viên có vấn đề là rất cần được khuyến khích nhưng chủ yếu vẫn là ý thức của các ứng viên.
Thứ hai là trách nhiệm của các cấp hội đồng trong rà soát hồ sơ để đảm bảo chất lượng của công nhận".
Trả tiền để đăng báo không có nghĩa là “hối lộ”
Chia sẻ về việc phải đóng tiền mới đăng được trên một số tạp chí quốc tế, GS Đặng Ứng Vận cho rằng đây là một thực tế khá phổ biến. Những tạp chí có chỉ số tác động càng cao thì số tiền đóng càng nhiều. Để đăng một bài báo nghiên cứu khoa học, mất 2.000-3.000 USD là chuyện bình thường. Dù bài báo đó là nghiêm túc thì một số tạp chí vẫn bắt nộp tiền - đó là lệ phí công khai.
"Có những tạp chí dỏm tôi biết, họ chỉ đòi 500 hay 1.500 USD là đăng bài thôi". Nên việc nộp tiền để đăng bài theo GS Vận không nên hiểu tất cả theo nghĩa là hối lộ vì đó là yêu cầu công khai từ đầu của tạp chí rồi, họ cần chi phí để in ấn. Các nguồn học liệu mở cũng cần có người bỏ tiền ra in ấn…
Tùy từng trường hợp để quy kết đó là tạp chí dỏm hay công trình dỏm. Chẳng hạn, đại đa số những tạp chí khoa học có uy tín đều đánh giá đồng cấp tức là gửi sang cho các tác giả cùng nghiên cứu vấn đề đó để họ có ý kiến rồi sau đó họ mới đăng. Những bài báo chất lượng công trình tốt thì đều thể hiện ở đánh giá tác động rồi.
Hoặc Hội đồng cũng có thể tìm kiếm đầy đủ trên các cơ sở dữ liệu khoa học chính thống như Scopus và Web of Science hay Q1,Q2,Q3… "Hiện Nafosted tôi thấy họ làm rất tốt, trước khi định tài trợ cho 1 công trình nghiên cứu nào họ đều rà soát kỹ với yêu cầu bài báo nào của anh ở cỡ nào mới được cấp kinh phí".
GS Đặng Ứng Vận đồng ý với việc bỏ phiếu công khai để nâng trách nhiệm của các thành viên Hội đồng vì sự phát triển của một ngành khoa học của đất nước. Trên thực tế, trước khi bỏ phiếu không tín nhiệm ai đấy, bao giờ các Hội đồng cũng có đánh giá chung, phân tích ưu nhược điểm cũng như lý do khiến ứng cử viên không đạt. Chỉ một số trường hợp cá biệt mới thắc mắc còn đa số tâm phục khẩu phục. Nhận xét của Hội đồng rất nên chia sẻ để bản thân ứng viên thấy như vậy là chưa được, tránh tình trạng ứng cử viên ấm ức cả năm, thậm chí cả đời.
"Với ngay cả trường hợp mình không bỏ phiếu công khai kiểu giơ tay mà bỏ phiếu kín thì bản thân Chủ tịch Hội đồng cũng phải chia sẻ, phân tích với ứng cử viên. Chắc không có trường hợp nào ứng cử viên đạt hết mà Hội đồng lại bỏ phiếu không đạt cả".