Nỗi niềm phố cổ
Đã gần 20 năm tìm phương án giãn dân, thế nhưng đến nay mới có khoảng 100 hộ di chuyển ra khỏi phố cổ. Như vậy, sau ít nhất 3 lần được đề nghị di chuyển, tới giờ người dân phố cổ vẫn hàng ngày phải sống trong những căn nhà sập xệ, tăm tối thậm chí là rất nguy hiểm.
Phố cổ - cố thở
Giãn dân phố cổ vốn là câu chuyện đã được nhắc đến từ 20 năm trước, thế nhưng sau nhiều năm, vấn đề này vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay mới có khoảng 100 hộ dân di dời khỏi khu phố cổ.
Ông Nguyễn Đình Hải (63 tuổi) - người dân đang sinh sống trong một căn nhà cũ có tuổi thọ hơn 100 năm tại số 35 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) cho biết, trong nhiều năm qua, 6 hộ gia đình đã sinh sống nhiều thế hệ tại đây. Tuy nhiên, do cấu trúc là nhà ống với tổng diện tích khoảng 60 m2 kéo sâu vào trong và bề ngang khoảng 2m được chia nhỏ nên mỗi căn nhà ở đây chỉ vỏn vẹn gần 10 m2.
Riêng gia đình ông Hải, với diện tích chỉ chừng 9 m2 nhưng có tới 7 người, 3 thế hệ cùng chung sống. Đối với mỗi người, ngôi nhà là nơi riêng tư và thoải mái nhất nhưng với gia đình ông Hải đó là điều quá xa xỉ. Bởi, căn nhà của gia đình ông ở đầu nên trở thành lối đi chung của các hộ còn lại, mọi sinh hoạt riêng đều công khai.
Do nhà cũng là lối đi chung, nên mọi thứ đồ đạc cho sinh hoạt đều ở mức tối giản nhất có thể. Cái gì cũng nhỏ nhắn, cũ rích và rất tạm bợ. Trong nhà vật dụng lớn nhất có lẽ là chiếc giường nhưng nó cũng nhỏ xinh để phù hợp với diện tích căn nhà. Chật chội, bí bách là điều mà tất cả những thành viên trong gia đình ông Hải cũng như cả 6 hộ trong cái ngõ này thấy rõ, nhưng cũng giống như gia đình ông Hải mọi người chưa có ý định chuyển đi nơi khác sinh sống vì rất nhiều lý do. Vì ông được sinh ra lớn lên ở đây, mọi thứ đã trở nên quen thuộc với ông, nhưng lý do lớn nhất chính là bởi ở đây ông còn có đồng ra đồng vào nhờ buôn bán vặt.
Bà Phạm Thị Phương cùng ngõ với nhà ông Hải cho biết, nhà phố cổ như thế này chẳng sung sướng gì, rất sập xệ, nguy hiểm. “Có lần đang ngồi, mảng xi măng rơi thẳng vào đầu, vì đây chỉ là tấm đan, trong khi đó chỉ cần mưa to nước dềnh lên như ở ngoài đường” - bà Phương nói.
Nhà bà Phương có 7 nhân khẩu, sống trong căn hộ 12m2 dưới Đình Trung Yên hàng chục năm nay. Nhà bà “rộng” nhất trong số 3 nhà, vì cơi nới được vài mét vuông, mỗi hộ còn lại 4-5 người chỉ sống trong nhà vỏn vẹn 9 m2.
Từ năm 2009, các hộ dân được rà soát để di dời sang khu đô thị Việt Hưng, vài năm sau lại có thông tin chuyển sang Khu đô thị Nam Trung Yên. Bà Phương cho biết, không biết bao giờ được di dời, nhưng bà vẫn muốn lấy tiền chứ không muốn nhận nhà.
Bí bách, khó chịu là tâm lý chung của tất cả mọi người nhưng đa số người dân phố cổ chưa có ý định chuyển gia đình đi nơi khác sinh sống, bởi ở đây họ còn có đồng ra đồng vào nhờ buôn bán vặt. Đi đến nơi ở mới thì đâu có dễ, bởi vì diện tích nhà của họ rất hẹp lại chung đụng, không phải là tài sản riêng nên bán đâu có dễ. hơn nữa, rất nhiều hộ gia đình đã từng đến nơi tái định cư nhưng không có kế sinh nhai lại quay về bám phố, thế nên người dân phố cổ kiên quyết bám phố phường.
Vì chung đụng mọi thứ nên cãi vã là câu chuyện thường ngày ở huyện. Lúc thì chỉ là một nhà đưa cái bếp than vếch ra lối đi chung hay nhà khác dùng nước cứ dội ra lối đi chung cũng cãi nhau. Hoặc có cái góc trống nhỏ xíu cất đồ lặt vặt thì gọi là lấn chiếm, chiếm chỗ cũng xảy ra xích mích. Không chỉ cãi vã, buôn dưa, tam sao thất bản cũng là đặc sản ở khu vực sống “tập thể” này, thành ra nhiều người cảm thấy bí bách, khó chịu khi sống ở đây. Nhưng nói đến câu chuyện di chuyển đi nơi khác sinh sống không hề dễ.
Thiếu sinh kế làm sao hút được dân
Khu phố cổ Hà Nội có khoảng hơn 4.300 biển số nhà. Trong mỗi số nhà lại có rất nhiều gia đình sinh sống. Cá biệt một số số nhà có hàng chục gia đình cùng sinh sống, diện tích ở chỉ đạt từ 0,5 - 1,8 m2/người. Trong số gần 1.000 căn nhà có tuổi thọ trên dưới 100 năm sử dụng, có 63% thuộc diện xuống cấp, 12% thuộc diện nguy hiểm và 5% thuộc diện ô nhiễm.
Trên thực tế, yêu cầu giãn dân khu Phố cổ Hà Nội đã được thực hiện từ năm 2002, với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, nhằm giảm mật độ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại, công việc này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên mới di dời được khoảng 100 hộ sinh sống trong di tích, đình, đền, chùa, trường học, cơ quan.
Được biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã rà soát các hộ dân thuộc diện di dời trên địa bàn 10 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc. Tuy nhiên, số liệu rà soát vẫn chỉ… để đấy vì chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan thừa nhận, Đề án giãn dân có tiến độ quá chậm. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ là Dự án đầu đến tại khu đô thị mới Việt Hưng tại quận Long Biên thuộc Đề án giãn dân phố cổ (Thành ủy duyệt năm 2012) đã chậm gần 10 năm, 2 năm gần đây do điều chỉnh quy hoạch kiến trúc và thay đổi cơ chế đầu tư nên mọi thứ vẫn cứ chậm.
TP đã và đang quan tâm thực hiện chủ trương giãn dân phố cổ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết. “TP đã phê duyệt Đề án giãn dân Phố cổ và xây dựng một số nhà tái định cư ở bên Long Biên, sau đó vận động nhân dân tái định cư sang bên đó. Nhưng quan trọng là kế sinh nhai cho người dân. Khi người dân chỉ cần 1 tiếng luân phiên nhau bán hàng ở những cửa ngõ hẹp cũng kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống còn đến nơi ở mới điều kiện không bằng thì khó hút người dân ra khỏi Phố cổ” - ông Toản cho biết.
Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Hà Nội đang tiếp tục bảo tồn phố cổ trước hết là chỉnh trang những ngôi nhà cần bảo tồn, thứ 2 quận đang chỉnh trang từng tuyến phố bằng việc hạ ngầm đồng thời vận động người dân có nhà mặt phố chỉnh trang đồng bộ theo thiết kế đảm bảo đường phố khang trang, sạch sẽ.
Phải coi phố cổ là cơ thể sống
Rất nhiều chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh việc giãn dân phố cổ cũng như bảo tồn di sản độc đáo này. Phải bảo tồn phố cổ bằng cách giãn dân cũng như gỡ những khó khăn cho cuộc sống của người dân, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nói. Theo đó, cần tạo đồng thuận giữa nhân dân với Nhà nước về quan điểm quản lý khu phố cổ không chỉ là vấn đề không gian vật thể kiến trúc mà cần quản lý cả về chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống tại đó. Nói cách khác, quản lý khu phố cổ giống như quản lý một cơ thể sống chứ không phải quản lý một không gian vật thể mà chỉ là xác mà không có hồn. Ở đây, chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Singapore hoặc ngay tại câu chuyện từ Hội An của Việt Nam.
Cần xác định người dân nào, đối tượng nào là người sẽ di dời khỏi khu phố cổ, bởi ngoài việc vận động thì cũng cần có quy định, khung pháp lý rất chặt chẽ cho việc này. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi cho những người thuộc đối tượng di dân ra khỏi khu phố cổ vừa qua vẫn còn thiếu tầm nhìn tổng thể. Thí dụ thay bằng việc dồn tất cả họ về một khu đã được định dạng trước khiến họ cảm thấy khi bị cưỡng bức, chúng ta nên có chính sách ưu đãi, đền bù một cách linh hoạt, thỏa đáng bằng hình thức thỏa thuận.
Về cấu trúc của Đề án giãn dân. Vừa qua chúng ta mới chỉ chú trọng tới việc tạo nhà ở cho người dân, nhưng chưa chú trọng đến việc họ sẽ làm gì để có nguồn thu nhập khi đến nơi ở mới, điều này cần được tính đến. Đặc biệt cần tuyên truyền để người dân trong khu phố cổ hiểu rằng, việc người dân phải dời đi không chỉ vì bản thân cá nhân mà còn là trách nhiệm của họ vì lợi ích của Thủ đô, của dân tộc cho các thế hệ sau.