Nữ quyền và bạo lực giới

T.Tuấn 25/10/2020 09:00

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra lời kêu gọi trao thêm quyền kinh tế cho phụ nữ nông thôn, người gốc Phi và người thổ dân bản địa nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế tại các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh thời kỳ hậu dịch Covid-19.

Bà Elizabeth Machuca Campos mang đến quảng trường Zocalo bức chân dung của chị gái Eugenia Machuca Campos bị sát hại năm 2017 và đôi giày người chị mang khi thiệt mạng.

Theo đại diện của FAO, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, phụ nữ nông thôn, người gốc Phi và người thổ dân bản địa tiếp tục công việc của họ tại các khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu về thực phẩm ở các thành phố. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với bất bình đẳng do làm việc trong khu vực phi chính thức, cùng với đó là tình trạng quá tải trong công việc gia đình và khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, nguồn nước, và vật tư đầu vào. Vì thế đời sống của họ rất khó khăn.

Còn theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc, tình trạng nghèo ở các vùng nông thôn tại Mỹ Latinh có thể lên tới con số kỷ lục 42% trong năm nay, tương đương với 96 triệu người so với con số 68 triệu người ghi nhận vào năm 2019. Cùng đó, trong số 10 triệu cư dân nông thôn có thu nhập thậm chí không đủ để trang trải các nhu cầu lương thực cơ bản, phụ nữ chiếm tới 60%.

Người ta cũng tính ra rằng, ở khu vực này có tới 76% số phụ nữ làm công việc trong nhà mà không được trả lương. Họ cũng lại phải chịu cảnh bạo lực trong gia đình mà rất ít được bảo vệ.

Còn tại Mexico, có một ngày thật đặc biệt, gọi là “ngày không có phụ nữ”. Đó là ngày 9/3 năm nay, tại thủ đô Mexico City - một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới, thế nhưng vào giờ cao điểm của buổi sáng, mọi thứ lại im ắng một cách bất thường. Ở tất cả địa điểm công cộng, người ta không thấy bóng dáng của bất kỳ người phụ nữ nào đang làm việc, tại ga tàu điện ngầm, ngân hàng hay thậm chí một số tiệm nail, tiệm làm tóc cũng đóng cửa. Không riêng thủ đô, rất ít phụ nữ xuất hiện trên đường ở tất cả các thành phố ở Mexico.

Có hiện tượng bất thường đó là do phụ nữ nước này đã cùng nhau “dừng tất cả các hoạt động” để phản đối nạn bạo lực đối với phái nữ (femicide), trong đó có một số vụ án mạng đặc biệt khủng khiếp. Họ, những người phụ nữ nói rằng chính quyền đã làm rất ít để bảo vệ phái nữ.

Với khẩu hiệu “Vào ngày mùng 9, phái nữ không đi đâu”, phụ nữ ở Mexico đã lên tiếng và phản đối nạn femicide đang ngày một gia tăng và hơn thế, nhằm đẩy lùi cách ứng xử mà những đóng góp hằng ngày của phụ nữ cho xã hội đều bị xem nhẹ.

Phong trào phát triển lớn đến mức, Thị trưởng thành phố Mexico, bà Claudia Sheinbaum Pardo đã chỉ thị không phạt các nhân viên nữ nghỉ làm trong ngày 9/3.

“Tôi quyết định không đi làm, không ra khỏi nhà, không đi chợ để phản đối nạn bạo lực mà người phụ nữ đang phải gánh chịu” - cô Brenda Hernandez, 33 tuổi làm quản lý siêu thị tại Mexico City chia sẻ.

Cũng tại Mexico, vào một ngày giữa tháng 1/2020, bỗng xuất hiện một việc bất ngờ khi có tới 200 đôi giày đỏ được đặt tại Quảng trường trung tâm Zocalo ở thủ đô Mexico City. Đó là cách mà các nhà tổ chức muốn kêu gọi sự quan tâm tới tình trạng bạo lực phụ nữ đang nhức nhối ở quốc gia này. Theo thống kê, mỗi ngày có 10 phụ nữ và trẻ em gái bị sát hại tại Mexico và số vụ việc được xử lý chỉ khoảng 10%.

“Những đôi giày đại diện cho sự vắng mặt, hình tượng hóa sự mất mát. Màu đỏ là màu máu những người vô tội và cũng là tiếng nói của tình yêu”- nữ nghệ sĩ Elina Chauvet chia sẻ. Em gái của bà đã bị chồng sát hại năm 2009 trong một vụ bạo lực gia đình. Còn nhà hoạt động vì phụ nữ Elizabeth Machuca Campos nói có chị gái bị bạn trai sát hại năm 2017 đã mang đến quảng trường một bức chân dung của chị gái Eugenia Machuca Campos và đôi giày chị gái bà đi khi tìm thấy xác.

Sự tăng vọt tình trạng bạo lực phụ nữ ở Mexico là do ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến ma túy, tương tự như những gì đang xảy ra ở Colombia, Guatemala và El Salvador. Phụ nữ trong khu vực xung đột thường được xem là “lãnh thổ” để được chinh phục vì tội phạm cho rằng cưỡng hiếp và giết phụ nữ cũng là một cách để đe dọa các băng nhóm đối thủ và người dân địa phương.

Các nhà lập pháp Mexico đã phê duyệt Luật Chống bạo lực đối với phụ nữ từ năm 2007, tuy nhiên tới nay, tình trạng này vẫn là nỗi đau trong lòng xã hội đất nước này.

T.Tuấn