Làm theo phong trào

Tinh Anh 25/10/2020 08:00

Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh là một hướng đi có tính đột phá, góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Song, Thủ tướng cũng lưu ý không được làm đô thị thông minh theo phong trào.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh Asean (Asean smart cities summit & expo 2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh là một hướng đi có tính đột phá, góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Song, Thủ tướng cũng lưu ý không được làm đô thị thông minh theo phong trào.

Lưu ý của Thủ tướng rất xác đáng khi mà lâu nay thực trạng chạy theo phong trào đang trở thành vấn nạn của xã hội. Đơn cử như câu chuyện nhiều tỉnh, thành phố “đua nhau” xây dựng tượng đài gây tốn kém rất nhiều cho ngân sách. Một số địa phương nghèo, thường xuyên phải ngửa tay xin trợ cấp của Trung ương vẫn cứ phải xây tượng đài.

Đau ở chỗ, thay vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, nhiều tỉnh nghèo lại “đua” theo các tỉnh có tiềm lực kinh tế vững để xây tượng đài cho khỏi kém cạnh. Số tiền hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thay vì xây thêm bệnh viện, trường học, đảm bảo người dân có thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn, các tỉnh lại đổ vào xây tượng đài cho hoành tráng, để “không thua kém ai”.

Sau phong trào xây tượng đài là đến phong trào xây dựng cổng chào cũng với số tiền ngân sách khủng. Các huyện, thị xã, thành phố (trực thuộc tỉnh) đua nhau chi tiền xây cổng chào thật to đẹp, vừa làm “biểu tượng”, vừa để “phát triển du lịch”. Chưa biết cổng chào có thể kéo thêm bao nhiêu “du khách”, thu được bao nhiêu tiền, nhưng trước mắt mất đi một khoản đầu tư an sinh xã hội.

Ngay cả lãnh đạo nhiều địa phương còn chạy theo phong trào rất hình thức như thế nên cũng khó tránh khỏi tình trạng người dân chạy theo phong trào, nhất là với nông dân, ngư dân trong việc trồng cây gì, nuôi con gì. Chẳng phải đã có nhiều nơi nông dân phá hết vườn cây cũ để trồng một loại cây ăn quả mới đang bán chạy trên thị trường với hy vọng nhanh chóng “đổi đời” đó sao?

Tất nhiên là việc “đổi đời” không dễ như vậy. Khi mà người người, nhà nhà đổ vào trồng một loại cây ăn trái nào đó thì nguồn cung sẽ tăng lên và đương nhiên giá trị của nó sẽ phải hạ xuống, thậm chí thấp đến mức không đủ công chăm bón. Hay như việc phong trào nuôi tôm, cá tự phát, thiếu quy hoạch dẫn đến nhiều hộ gia đình tay trắng, nợ nần ngập đầu, mất nhà mất cửa, tha hương cầu thực.

Buồn ở chỗ, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương lại thiếu định hướng, tuyên truyền cho người dân để tránh những phong trào tự phát trong tăng gia, sản xuất gây thiệt hại về kinh tế. Dĩ nhiên là “ai làm người nấy chịu”, nông dân, ngư dân chạy theo phong trào trong việc trồng trọt, chăn nuôi thì phải chấp nhận rủi ro, nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước cũng không hề nhỏ.

Song, thiệt hại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng ngân sách trong những dự án vô bổ còn chẳng ai phải chịu trách nhiệm, nói gì đến trách nhiệm với thiệt hại của nông dân, ngư dân khi chạy theo các phòng trào chăn nuôi, trồng trọt. Đó là lý do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý đừng chạy theo phòng trào trong xây dựng đô thị thông minh.

Tinh Anh