V.League: Căng thẳng với những cú sảy chân
V.League đang vào những vòng đấu cuối cùng. Nhóm trụ hạng căng thẳng hơn sau cú sảy chân đầy tranh cãi của Nam Định. Nhưng, đó chỉ là sự hấp dẫn trong ảo tưởng của V.League - giải đấu hấp dẫn nhất Việt Nam.
Cảm ơn… cú phất cờ sai của trọng tài biên
Tình huống ở phút 70, trận đấu giữa Quảng Nam và Nam Định có thể xem là bước ngoặt cho những lượt đấu còn lại tại V.League. Bởi nếu như trọng tài biên K’ Đức Tuấn không phất cờ việt vị sai dẫn đến không công nhận bàn thắng cho Nam Định thì cục diện trụ hạng đã sớm an bài, chứ không phải đẩy sự kịch tính lên cao trào ở lượt tiếp theo của V.League.
Bởi lẽ, nếu như Nam Định cầm hòa được Quảng Nam, trong bối cảnh Hải Phòng thắng Thanh Hóa thì Nam Định, Hải Phòng sẽ chắc chắn trụ hạng. Đội xuống hạng duy nhất tại V.League khi ấy chính là Quảng Nam. Rõ ràng, một nửa tính hấp dẫn (bên cạnh cuộc đua đến ngôi vô địch) sẽ sớm dập tắt. Và theo như cách nói ám chỉ của trợ lý Nguyễn Văn Dũng bên phía Nam Định là dường như có sự sắp đặt ở đây chứ các trọng tài biên dù kém đến mấy cũng không thể phất cờ như vậy.
Dẫu sao, V.League vẫn hấp dẫn nhờ cú phất cờ sai khi ấy của trọng tài biên. Dẫu sao, truyền thông lại có thể tiếp tục mổ xẻ xoay quanh câu chuyện trọng tài và Nam Định vốn căng thẳng xuyên suốt cả mùa giải năm nay.
Nhưng nó lại không đủ để che đi một sự bất công tại V.League vốn kéo dài ngày này qua năm khác. Đó là giải đấu này có quá ít đội phải xuống hạng. So sánh với các giải đấu khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, V.League có số đội rớt hạng thấp hơn tất cả. Với Thái Lan và Indonesia, có tới 3 đội cuối bảng phải rời giải VĐQG sau một mùa bóng.
Trường hợp của Malaysia cũng là 2 đội. Nhưng với V.League, chỉ có đội cuối bảng phải trực tiếp xuống chơi ở hạng Nhất. Đội đứng áp chót sẽ đá play-off với đội nhì của giải hạng Nhất. Cơ hội khi đó chia đều 50-50 cho cả đôi bên. Riêng năm nay, V.League chỉ có 1 đội phải xuống hạng! Điều đó đồng nghĩa, chỉ có đội vô địch hạng Nhất mới được lên chơi tại V.League 2021.
Điều này vô hình trung khiến cho V.League mất đi một sự cạnh tranh thực thụ trong cuộc đua trụ hạng. Nhìn từ năm 2015 đến nay, thường có một…. “vật tế thần” để 13 đội bóng còn lại đẩy xuống đáy V.League. Đó là Đồng Nai (2015), Đồng Tháp (2016), Long An (2017), XSKT Cần Thơ (2018) hay Sanna.KH (2019). Kể cả mùa giải năm nay, dù thể thức chia nhóm tạo ra sự khốc liệt hơn trong cạnh tranh của nhóm 6 đội cuối bảng nhưng cũng chỉ cần trải qua 2-3 lượt của giai đoạn 2, nhiều đội bóng trong nhóm này đã có thể kê cao gối ngủ vì sớm nằm trong vùng an toàn.
Tiêu cực dễ nảy sinh, đội hạng nhất không có cửa lên hạng
Như trợ lý Nguyễn Văn Dũng có ám chỉ, dường như có dấu hiệu tiêu cực trong trận đấu mà Nam Định thua Quảng Nam. Điều ấy có thể đẩy V.League vào một sự hấp dẫn ảo tưởng, vốn thường được dàn xếp như những show truyền hình thực tế.
Chưa dừng lại ở đó, nghi vấn tiêu cực hoàn toàn dễ nảy sinh với việc V.League bóp nghẹt suất xuống hạng. Những cuộc bắt tay “ba đi ba về”, “tặng nhau điểm số” giữa các liên minh ngầm giữa các đội bóng hòng đẩy “vật tế thần” xuống hạng đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ của V.League.
Thế mới có chuyện HLV Võ Đình Tân của Sanna.KH - đội bị “tế thần” mùa trước bức xúc nói: “Khánh Hòa từ xưa tới giờ, xuyên suốt từ các mùa giải qua, dù thiếu điểm hay dư điểm thì đều sòng phẳng. Khánh Hòa chẳng mạnh hơn ai nhưng phải sạch! Tôi khẳng định Khánh Hòa không xin điểm. Đó là lập trường xuyên suốt của đội bóng đến giờ. Chứ không như nhiều đội cần điểm trụ hạng, hay đua vô địch mà nảy sinh chuyện xin, cho. Khánh Hòa dù có rớt hạng nhưng phải ra sân là vì khán giả chứ tôi không quan tâm đến các đội bóng khác”.
Khi V.League trở thành cuộc chiến tìm kẻ tế thần thì sự bất công từ dưới giải hạng Nhất cũng phát sinh. Như ở mùa giải năm nay, có tới 4-5 CLB máu lên hạng. Nhưng chỉ có duy nhất 1 CLB được quyền lên chơi ở V.League. Điều ấy là một sự bất công. Bởi thực tế nếu đem hạng Nhất và V.League lên bàn cân so sánh thì chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào.
Nhìn tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh “đè ngửa” nhiều CLB ở V.League năm nay cũng đủ hiểu các đội hạng Nhất chẳng thua kém gì CLB ở V.League. Vậy mà cứ mỗi năm trôi qua, họ chỉ có được 1,5 suất thăng hạng. Một con số quá bất công!