Hưng Yên cần phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo tồn văn hóa
Hưng Yên cần “tập trung lãnh đạo phát triển nhanh và bền vững KT-XH đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống...".
Sáng 25/10, Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên.
Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ ngành và 339 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 69 ngàn đảng viên của 13 đảng bộ trực thuộc tỉnh Hưng Yên dự đại hội.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Hưng Yên đạt được những kết quả đáng ghi nhận là nhờ sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân Hưng Yên. Những kết quả ấy của Hưng Yên “đã góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại của Hưng Yên và đề nghị, Đại hội làm rõ để từ đó đề ra “những giải pháp thiết thực để khắc phục triệt để những yếu kém, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho nhiệm kỳ tới”.
Chỉ đạo tại Đại hội, bà Tòng Thị Phóng đề nghị, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiếp tục giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Nâng cao chất lượng công tác cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định của Đảng và Nhà nước; thực hiện nghiêm các quy định về chống chạy chức, chạy quyền và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Hưng Yên cần “tập trung lãnh đạo phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Hưng Yên cần quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và thương mại dịch vụ, cần quan tâm hơn để tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ; hình thành các điểm du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh, lịch sử, văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và lịch sử “Phố Hiến”.
Đồng thời với việc tập trung phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị: Hưng Yên phải chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng phải cùng hướng về cơ sở, vận động để huy động các nguồn lực tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội, nhất là nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao dân trí; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ và các đối tượng chính sách xã hội. Tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…
Tỉnh đã tự cân đối thu chi
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên, cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 có chủ đề: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, Hưng Yên đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cao, vượt sớm so với kế hoạch trong bối cảnh vừa tập trung giải quyết hiệu quả đối với những tình huống khó, mới, phức tạp như đại dịch Covid-19.
Quy mô nền kinh tế năm 2020 theo giá hiện hành đạt 102 nghìn tỷ đồng, bằng 1,73 lần so với năm 2015 (năm 2015 đạt 59.006 tỷ đồng).
Đặc biệt, Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội còn nêu rõ: Sau 24 năm tái lập, thu ngân sách của Hưng Yên đã tăng gấp gần 200 lần, từ một tỉnh nằm trong nhóm 3 tỉnh có thu thấp nhất cả nước đến nay đã nằm trong số 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi (năm 2017 và nộp về trung ương 7%).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,38%/ năm; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 13 so với các tỉnh thành trong cả nước. Hưng Yên đã và đang là sự lựa chọn đầu tư của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút 816 dự án, tăng 34,4% so với giai đoạn 2011-2015.
Kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 16,19%/năm. 100 % các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hưng Yên chuẩn bị nhận bằng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Với Hưng Yên, người dân được xác định là trung tâm của quá trình phát triển; có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế tài chính nhằm chăm sóc tốt nhất các gia đình chính sách , người có công… chính trị xã hội ổn định.
Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới, thông suốt và đồng bộ. MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị xã hội đã làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội.