Chế Lan Viên - Nhà thơ lớn của văn học Việt Nam

Minh Quân 26/10/2020 07:30

Trong suốt chặng đường cống hiến của mình, Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, là nhà văn hóa tiêu biểu, người có công rất lớn hiện đại hóa nền thơ ca Việt Nam.

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920, ở làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12-13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, tập thơ có lời tựa được coi như “Tuyên ngôn nghệ thuật” của “Trường thơ Loạn”.

Cùng với sự ra đời của tập thơ cái tên Chế Lan Viên bắt đầu nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình Chế Lan Viên là tác giả của hơn 30 tác phẩm gồm thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình văn học. Tiêu biểu như các tập thơ: Điêu tàn (1937), Gửi các anh (1954), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), “Đối thoại mới” (1973), Hoa trước lăng Người (1976), 3 tập Di cảo thơ”(1992, 1993, 1995)...

Ngoài các tác tập thơ, Chế Lan Viên còn sáng tác nhiều tác phẩm văn xuôi. Bên cạnh bút danh Chế Lan Viên, ông còn lấy nhiều bút danh khác như Thạch Hãn, Chàng Văn...

Sau năm 1975, Chế Lan Viên vào sống tại TPHCM. Ông mất ngày 19/6/1989, thọ 69 tuổi. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I) với cụm tác phẩm Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường - Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới, Hoa trước lăng Người.

Nhìn nhận về sự nghiệp của nhà thơ Chế Lan Viên, GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, có thể xem Chế Lan Viên là người tiếp nối và khơi sâu vào các giá trị rất nhiều mặt ở Nguyễn Du trong tư cách một nhà thơ, với khởi động muộn hơn, nhưng với độ đài và liên tục bằng những bài, những câu có giá trị tổng kết rất sâu, rất cao trong nền thơ Việt thế kỷ XX.

“Thời Thơ mới trước 1945, và thời “nhận đường” (chữ dùng của Nguyễn Đình Thi) của số lớn văn nghệ sĩ tiền chiến sau 1945 cho đến 1960, mối quan tâm đến Nguyễn Du trong sáng tác và phê bình, nghiên cứu còn thưa thớt, chưa nhiều.

Phải đến thời điểm trước sau 1960 đề tài Nguyễn Du và Truyện Kiều mới dần dần xuất hiện trong thơ, trước hết là thơ Chế Lan Viên, qua các tập Ánh sáng và phù sa (1960) và Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967). Trong Ánh sáng và phù sa, đó là bài Đọc Kiều.

Trong Hoa ngày thường - Chim báo bão, đó là bài Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ. Hai bài dành trọn vẹn cho việc triển khai các ý tưởng và cảm xúc về Truyện Kiều, gắn với những chuyển động lớn của thời cuộc.

Vào ngày 27/10 tới đây, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (1920 – 2020).

“Sau chiến tranh, Chế Lan Viên vẫn tiếp tục nguồn mạch Nguyễn Du trên những cảm hứng mới, qua Nghĩ thêm về Nguyễn, 24 câu, trong tập Ta gửi cho mình (1986). Và nhiều câu trong nhiều bài qua các tập Hái theo mùa (1977), và Hoa trên đá (1984) trước đó. “Từ Truyện Kiều chuyển sang Nguyễn Du, hoặc từ Nguyễn Du trở lại Truyện Kiều luôn luôn, trong những Suy nghĩ về nghề, hoặc các sổ tay thơ, Chế Lan Viên luôn có một say mê vận vào Nguyễn Du, hoặc rút ra từ Nguyễn Du nói riêng, và nền thơ cổ điển Việt nói chung những bài học cho hậu thế”, GS Phong Lê nói.

Có thể nói, trong suốt sự nghiệp thi ca của mình, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những vần thơ đầy trí tuệ, triết lý. Ông luôn là nhà thơ tiên phong, tiêu biểu bậc nhất của phong trào Thơ mới, thơ ca kháng chiến và thơ ca Việt Nam sau năm 1975.

Và ông vẫn luôn ở vị trí là nhà thơ trí tuệ, triết luận tiêu biểu hàng đầu của thi ca Việt Nam thế kỷ XX.

Minh Quân