App cho vay bủa vây người tiêu dùng
Cho vay online qua mạng từ các ứng dụng (app) đang nở rộ. Đáng nói là, các ứng dụng này kết nối mạng nhện với nhau, chưa trả xong nợ ở ứng dụng này lại xuất hiện ứng dụng khác mời vay tiền. Vòng xoáy vay trả, trả vay kéo người vay ngập trong nợ nần.
Xoay vần app này trả nợ app kia
Chị Mai Anh (TP HCM) kể, hai chị em quê Quảng Bình, vào TP Hồ Chí Minh thuê trọ làm việc. Có lần bị ốm phải đi viện nên bức bách tải ứng dụng DrDong và được phê duyệt vay tiền.
Tại app này chị trả nợ cả lãi đúng hẹn, nhưng sau đó cứ mỗi lần vào mạng liên tiếp các app khác hiện ra. Vì dịch Covid- 19 nên thu nhập kém đi trong khi vẫn phải thuốc thang đều đặn nên chị lại vay nợ qua mạng.
“Tôi dính vào tình trạng phải xoay vần giữa các app, tức là vay app này, rồi vay sang app khác để đập bù vào số tiền đã vay. Liệt kê ra chị đang vay tiền tại gần chục app như: Alo Credit vay 1, 8 triệu đồng, Easy Credit vay 1,5 triệu đồng, vaylaco 1 triệu đồng còn lại BeeCredit, vaytiachop mỗi ứng dụng 2,5 triệu đồng.
“Mỗi app một ít và chỉ vay trong khoảng thời gian ngắn 7 ngày, hoặc 9 ngày, nhưng tiền lương đi làm không đủ trả tiền lãi và tiền gốc. Trung bình mỗi ngày nhận hơn 20 cuộc điện thoại thúc giục trả nợ là bình thường”, chị Mai Anh nói.
Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp khác khi vay tiền qua ứng dụng còn bị lừa mất cả chì lẫn chài. Chủ một tài khoản có tên Nguyễn Thanh Tú kể, vì dính vay tiền với các app qua mạng, nên thường xuyên bị nhắn tin, điện thoại đòi nợ. Sau đó còn có người kết bạn hứa hỗ trợ chặn thông tin để không bị làm phiền.
“Vì túng quá, mà chính xác là ngu nên em đã vay mượn bạn bè 1,5 triệu đồng gửi đến tài khoản Long Nguyễn để nhờ anh này hướng dẫn dịch vụ chặn app. Vừa chuyển tiền xong liên lạc lại thì không được. Nợ lại chồng nợ”, chị Tú than thở.
Một trường hợp khác là chị Hoàng Thị Nh. (Hà Tĩnh) cho biết, tháng 4/2020, do dịch bệnh, không có việc làm, chị đăng ký vay qua app Vay tia chớp và được thông báo giải ngân 2,9 triệu đồng trong 7 ngày. Tuy nhiên, số tiền mà app gửi vào tài khoản của chị chỉ là 1,7 triệu đồng.
Sau đó, khi chị Nh. trễ hạn thanh toán 3 ngày, bộ phận đòi nợ gọi điện thông báo số tiền mà chị nợ là 5 triệu đồng (số tiền gốc, tiền lãi và lãi phạt).
Họ quấy nhiễu người thân của chị và đe dọa nếu không đóng đủ, sẽ về tận nhà. Quá lo lắng, chị lại vay tiếp mấy app khác như Ơi Vay, One Click để có tiền trả app Vay tia chớp. Vòng xoáy nợ nần của chị vì vậy cứ nối dài…
Hai mặt của công nghệ
Có thể nói khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì việc đưa công nghệ vào hoạt động kinh tế - xã hội là đương nhiên.
Tuy nhiên hiện nay có nhiều đối tượng đứng sau các ứng dụngcông nghệ thực hiện cho vay qua mạng thu lãi suất “cắt cổ” (trên 100%/năm), hoặc lách quy định bằng cách thu thêm các khoản phí (thực chất là mức lãi suất thu thêm). Nếu cộng cả phí và lãi quy ra lãi suất có thể lên đến 1.400%/năm (gấp 700 lần so với quy định) hoặc cao hơn.
Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng này yêu cầu người nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND để khi người nợ chậm trả lãi thì chúng sẽ quay sang đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực.
Rồi chúng còn sử dụng các thủ đoạn đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” như ném chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa, phun sơn....
Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự khẳng định việc vay qua app rất phổ biến, liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao. Khi vay trực tiếp qua ứng dụng thì nhanh gọn, thuận lợi cho người vay.
Nhưng các app này cũng nhanh chóng lấy cắp thông tin cá nhân của người vay, nếu không trả nợ thì sẽ điện thoại đe dọa…Do vậy, khi đi vay người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định về cho vay của các ứng dụng, lựa chọn ứng dụng cho vay uy tín, chấp hành đúng quy định về lãi suất (dưới 20%/năm)..