Chưa có kết luận thanh tra tại Bộ Y tế: Dư luận mong muốn được làm rõ tại diễn đàn Quốc hội

Nhóm phóng viên 27/10/2020 10:18

Hơn một năm trôi qua, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra tại Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa thể công bố kết luận thanh tra về 3 nội dung được xã hội cực kỳ quan tâm: sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh. Chuyện gì đang diễn ra ở Bộ Y tế và Thanh tra Chính phủ?

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn,Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra.

Cuộc thanh tra lớn, nhiều kỳ vọng

Sáng 23/9/2019, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Tham dự lễ công bố quyết định có ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, và các đại diện vụ, cục trực thuộc bộ Y tế, lãnh đạo các đơn vị y tế thuộc Bộ Y tế, các Sở Y tế…

Theo Quyết định Thanh tra số 656/QĐ-TTCP ngày 17/9/2019, Đoàn thành tra gồm 16 thành viên do ông Vũ Đức Tâm, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I), Thanh tra Chính phủ làm Trưởng Đoàn sẽ thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế. Kiểm tra, xác minh nội dung liên quan tại một số cơ sở y tế thuộc bộ, địa phương.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018 (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này). Thời hạn thanh tra là 80 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).

Chia sẻ về cuộc thanh tra quy mô lớn lần này, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay, đây là cuộc thanh tra với nội dung rất rộng. Thanh tra Chính phủ cũng chưa có đoàn thanh tra nào mà đông thành viên như cuộc thanh tra này. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đánh giá đây là một đoàn thanh tra lớn đảm nhận trách nhiệm thanh tra với 3 nội dung rất phức tạp, đang được dư luận xã hội rất quan tâm.

“Cuộc thanh tra này xác định với mục tiêu chính là giúp Thủ tướng Chính phủ nhìn thấy được những cơ chế, chính sách bất cập thì cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến người bệnh”, Phó Tổng thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết.

Việc thanh tra này căn cứ theo ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Ảnh: Quốc hội.

Chuyện gì đang diễn ra?

Đoàn Thanh tra có 80 ngày làm việc thực tế, nhưng đã một năm vẫn chưa có kết luận. Có có vướng mắc gì không?

Thanh tra nhằm vào 3 vấn đề rất dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân: sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh. Chính vì vậy, dư luận đặt câu hỏi: Vì sao thời gian vừa qua xảy ra chuyện ở Bệnh viện Bạch Mai, CDC Hà Nội, khiến công an phải khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số người liên quan, vậy sao mà Thanh tra Chính phủ vẫn đang “nghiên cứu” gì mà chưa ra được kết luận? Chưa kể đến một số vụ việc đã xảy ra liên quan 3 vấn đề quan trọng mà Thanh tra Chính phủ đang làm (bảo hiểm y tế, mua sắm thiết bị và đấu thầu thuốc chữa bệnh) gây xôn xao ở một số địa phương, nhưng chưa thấy bóng dáng kết luận nào liên quan từ đoàn Thanh tra tại Bộ Y tế.

Theo nguồn tin riêng của Đại Đoàn Kết, Trưởng đoàn thanh tra tại Bộ Y tế là ông Vũ Đức Tâm, Vụ Phó Vụ 1 Thanh tra Chính phủ đã về hưu từ 1/9/2020 (năm 2018, ông Tâm từng là Trưởng Đoàn thanh tra dự án mở rộng thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Công ty Gang thép Thái Nguyên). Ông Tâm có đề nghị với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ được gia hạn thời gian về hưu để tiếp tục theo đuổi việc thanh tra tại Bộ Y tế, tuy nhiên đề nghị của ông không được chấp thuận.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng) nêu ý kiến. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngay sau đó, ông Tâm đã có ý kiến với các cơ quan chức năng, rằng quá trình thanh tra của ông tại Bộ Y tế không được suôn sẻ vì có nhiều sự can thiệp. Đặc biệt, cục Dược cũng rất căng thẳng với đoàn thanh tra, và nhiều vấn đề khác nữa.

Hiện nay, người thay ông Tâm làm trưởng đoàn thanh tra tại Bộ Y tế là ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ 3 (Thanh tra Chính phủ).

Đây là cuộc thanh tra diện rộng, Thanh tra Chính phủ làm việc tại Bộ Y tế và các bệnh viện lớn; còn sở Y tế 64 tỉnh, thành là do Thanh tra tỉnh tiến hành.

ĐBQH: Làm rõ doanh nghiệp vụ nâng giá thiết bị y tế là 'sân sau' của ai?

Thông tin từ Báo Lao Động, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng) đặt vấn đề, 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế là doanh nghiệp nào, có phải sân sau của một vài người?, và đề nghị cơ quan điều tra làm rõ điều này.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, năm 2020, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ triển khai tích cực, đồng bộ và có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.

Đáng lưu ý, chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, còn có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong công tác thanh tra chuyên ngành, như vụ Thanh tra thuế ở Chi cục Thuế Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đòi 15 triệu đồng của chủ tiệm tạp hóa.

Việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích chưa thực sự chuyển biến, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm, lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; một số trường hợp có biểu hiện “nhóm lợi ích”, “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật; đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tham nhũng.

Minh chứng cho nhận định này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp dẫn các vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội.

Một số lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, đã liên kết với nhà thầu để nâng giá thiết bị y tế lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh…

Hay vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội.

Doanh nghiệp nào nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế?

Cũng theo thông tin từ Báo Lao Động: Nêu ý kiến thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng) cho biết, tại trang 4 của báo cáo thẩm tra viết, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan có chức năng phòng chống dịch lại có hành vi vi phạm pháp luật trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Kết quả điều tra vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội cho thấy, các đối tượng đã nâng khống trang thiết bị y tế lên nhiều lần giữa cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh, đang được các cơ quan chức năng hoàn tất các trình tự thủ tục ở giai đoạn cuối cùng.

Tuy nhiên, có một việc đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ là việc "có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này, hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy CDC tại các địa phương rơi vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ vì không còn con đường nào khác?".

"Vậy những doanh nghiệp đó của ai? Có phải sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này, Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát, điều tiết để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân?", đại biểu Sơn đặt câu hỏi.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố, bắt giam do liên quan sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch.
Từ trái, ba bị can Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận liên quan vụ án nâng giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai.

Mong muốn được làm rõ tại diễn đàn Quốc hội

Ba vấn đề lớn: sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra, dù đã quá hạn thanh tra khá lâu.

Việc chậm trễ trong công bố kết luận khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Có vướng mắc gì trong thanh tra? Có khuất tất gì không? Vì sao một cuộc thanh tra diện rộng lại không được công bố đúng thời hạn?...

Ngay trong ngành Y tế nhiều cán bộ cũng đã bày tỏ mong muốn sớm có kết luận thanh tra để những bất cập được chỉ ra để giải quyết triệt để. Dư luận mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm đưa vấn đề này ra diễn đàn Quốc hội để minh bạch thông tin.

Nhóm phóng viên