Chọn đúng người, đúng việc

Hoài Vũ 27/10/2020 09:20

Trong nhiệm kỳ khóa XII, công tác cán bộ của Đảng đạt nhiều kết quả tích cực, xử lý, khắc phục được nhiều tồn tại. Công tác xây dựng đội ngũ luôn được Đảng coi trọng, với quyết tâm lớn.

Tình trạng “cả họ làm quan”, hay bố trí cán bộ không đúng người, đúng việc đã tạo ra những bức xúc, suy giảm niềm tin trong nhân dân. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 đã nêu những hạn chế trong công tác này, trong đó một phần do một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định. Chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, chưa công khai đầy đủ kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện hành vi tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Một số đơn vị thuộc một số bộ, ngành, địa phương khi có xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa bị xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời.

Quốc hội cũng có những đánh giá về tình hình lựa chọn, bố trí cán bộ hiện nay. Từ đánh giá đó cho thấy những điểm yếu cố hữu trong công tác này. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn khi cho rằng, cải cách, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính để phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiến độ đề ra. Việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.

Có thể nêu ví dụ: Từ vụ bổ nhiệm, điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai ông Nguyễn Nhân Chiến (thời điểm ông Chiến đang là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhưng sau đó chỉ 15 ngày lại điều động sang làm Phó Giám đốc Sở LĐTBXH đã bị phản ứng mạnh mẽ của xã hội và cán bộ đảng viên. PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học của các cơ quan Đảng Trung ương đặt vấn đề: Tại sao cả 15 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh biểu quyết 100% tán thành điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh nhưng sau đó cũng chính những người này lại đã biểu quyết 100% tán thành đưa ông Chinh về làm Phó Giám đốc Sở LĐTBXH?

Từ thực tế trên cho thấy vấn đề cực kỳ quan trọng là làm sao chọn đúng người đúng việc, đúng năng lực, phù hợp với vị trí công việc; cần loại bỏ việc chọn người nhà, chọn người theo phe cánh mà loại bỏ người tài.

Khi đi kiểm tra tại các địa phương về công tác chuẩn bị Đại hội, một vấn đề hệ trọng được ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhắc đến nhiều lần là thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị; công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và công tác cán bộ thuộc diện chiến lược.

Hiến kế để làm sao chọn cán bộ “đúng người, đúng việc”, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, quan trọng nhất vẫn là đánh giá đúng cán bộ. Theo ông Sửu: Trước hết những người làm công tác cán bộ phải nắm rõ tiêu chuẩn, quy trình, trong sáng, khách quan, đánh giá “đúng người đúng việc”. Đánh giá cán bộ của người làm công tác tổ chức phải khách quan, trung thực, thẳng thắn trước khi trình nhân sự ra cấp ủy.

Bởi “cái gốc” của lựa chọn cán bộ chính là đánh giá cán bộ. Nếu đánh giá sai sẽ bố trí sai. Đúng quy trình nhưng chỉ là đúng trong “ngoặc kép”, còn động cơ là xấu. Nếu trong đánh giá cán bộ mang tính chất vụ lợi cá nhân, thì có thể sẽ đúng quy trình nhưng lại mang động cơ vụ lợi cá nhân, tìm cách này, cách khác đưa người thân quen không đủ tiêu chuẩn, đủ đức đủ tài vào bộ máy.

“Cho nên phải tránh tình trạng làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc. Đúng tiêu chuẩn, quy trình 5 bước nhưng thực tế động cơ trong từng bước ra sao? Từ phẩm chất, năng lực cán bộ thế nào? Bằng cấp có thực hay không? Nếu đánh giá hời hợt là hỏng, khiến đánh giá sai cán bộ”- ông Sửu bày tỏ.

PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở trách nhiệm của người đứng đầu, có công tâm, khách quan và cương quyết làm hay không, bởi Hiến pháp và các quy định của pháp luật đã quy định đầy đủ, quan trọng là người đứng đầu.

Còn ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói: “Trong công tác tổ chức cán bộ thì người đứng đầu phải thực sự công tâm khách quan, vô tư, bố trí cán bộ phải thực sự xứng đáng, được tập thể tín nhiệm, cơ quan đơn vị tín nhiệm. Không vì áp lực của mình mà “gợi ý” để cho cấp dưới tuân theo bố trí người nhà, người cùng phe cánh vào vị trí lãnh đạo”.

Hoài Vũ