Không mất cảnh giác với Covid -19
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn các biện pháp giám sát, quản lý chặt những người nhập cảnh, tuân thủ nghiêm việc cách ly tập trung.
Đến 9h sáng ngày 26/10, toàn thế giới có hơn 43 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 1,1 triệu người đã tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện có gần 32 triệu người khỏi bệnh.
Trong 24h qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (trên 58.000 ca), Pháp (52.010 ca) và Ấn Độ (45.157 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là Ấn Độ (463 ca), Mexico (431 ca) và Mỹ (419 ca).
Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về khả năng chịu đựng của hệ thống y tế trong đối phó với làn sóng dịch thứ hai.
Theo WHO, nhiều chính phủ đang phải vật lộn để cân bằng giữa các biện pháp hạn chế chống dịch mới với việc phục hồi các nền kinh tế vốn đang trì trệ do ảnh hưởng từ các biện pháp cách ly nghiêm ngặt từ những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, sự chán nản của người dân trước các biện pháp cách ly chống dịch, cùng với những khó khăn kinh tế đã khiến cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế mới càng trở nên khó khăn.
Trước cơn sóng thần Covid-19 đang tàn phá trên phạm vi toàn thế giới, Việt Nam đã 54 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn các biện pháp giám sát, quản lý chặt những người nhập cảnh, tuân thủ nghiêm việc cách ly tập trung.
Đặc biệt hơn, khi mùa đông phía Bắc đang cận kề, hơn lúc nào hết, công tác phòng, chống dịch Covid-19 lại cần phải được nâng thêm một mức độ cảnh báo vì nguy cơ lây lan của SARS-CoV-2 rất nhanh trong thời tiết lạnh, ẩm.
Dù đã được cảnh báo rất nhiều về Covid-19, và sự nguy hiểm của virus này, nhưng trong trạng thái bình thường mới, các hàng quán đã mở cửa trở lại, người dân ra đường đã không còn đeo khẩu trang, các vách ngăn cũng đã dần được gỡ bỏ… đó là những gì thực tế đang diễn ra tại Hà Nội. Sự chủ quan, lơ là phòng, chống dịch Covid-19 là có thật.
Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Đại Đoàn kết, nhiều người dân Hà Nội đã chủ quan, không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới rất cao và dịch có thể bùng phát trở lại để người dân không chủ quan, lơ là, chủ động thực hiện các biện phòng, chống dịch.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn nhất cả nước, nếu dịch bệnh trở lại sẽ vô cùng khó khăn.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần quản lý tốt việc cách ly người nhập cảnh, tuyệt đối không để việc người nhập cảnh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do lỗ hổng trong công tác kiểm soát. Cần đưa ra các biện pháp định vị, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh.
TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt, giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao đang cách ly tại khu ký túc xá.
Hàng ngày phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ, nếu có vấn đề gì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay.
Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long: Thời gian gần đây, số ca mắc mới tại Việt Nam đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Mặc dù cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, thời gian tới là mùa Đông, Xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.