Cùng nhau vượt qua bão dữ

Nam Việt 28/10/2020 06:57

Bình tĩnh, không hốt hoảng nhưng cũng không được chủ quan, chỉ có thế chúng ta mới cùng nhau vượt qua được cơn bão dữ dội này.

Người dân xã Phổ An (Đức Phổ, Quảng Ngãi) chèn bao nước lên mái tôn. Ảnh: Tấn Lực.

Bão số 9 đã áp sát miền Trung. Đây là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay, với phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tập trung từ Đà Nẵng tới Phú Yên. Phía bắc, các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế; phía nam, các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận; ở Tây Nguyên, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng rơi vào vòng ảnh hưởng.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, chiều tối ngày 27/10 bão số 9 tiếp tục lồng lộn trên Biển Đông và lao nhanh về đất liền các tỉnh Nam Trung bộ. Tốc độ di chuyển rất nhanh. Gió giật mạnh gây sóng lớn dữ dội, cao từ 5 mét đến 8 mét. Trong hôm nay, 28/10, dự báo bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền với sức gió được dự báo là không giảm bớt, kèm theo những trận mưa lớn, sóng biển tiếp tục dâng cao.

Đây là cơn bão cực mạnh, trở thành siêu bão với cấp 17. Trước đó, đổ bộ vào Philippines, bão số 9 đã làm gần 20 người chết. Sau khi vượt thoát khỏi quần đảo này, nó vẫn tiếp tục mạnh lên và Nam Trung bộ của Việt Nam sẽ phải hứng chịu sự tấn công trực tiếp.

Như vậy là, sau khi Bắc Trung bộ chịu đựng mưa lũ liên miên kể từ đầu tháng 10, thì nay lại đến Nam Trung bộ bị cơn bão cực mạnh uy hiếp. Cả một dải miền Trung lại phải tiếp tục chống chọi với thiên tai, bão lũ.

Với Nam Trung bộ, nơi có nhiều đảo ngoài khơi, cơn bão này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Những hòn đảo lẻ loi giữa muôn trùng sóng nước sẽ phải chịu những trận cuồng phong, những con sóng dâng cao đập tứ bề vào đảo. Những hòn đảo ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, vịnh Nha trang (tỉnh Khánh Hòa)… sẽ phải chịu nhiều hiểm nguy nhất.

Khu vực này cũng có rất nhiều lồng bè nuôi hải sản trên biển. Đây cũng sẽ là nơi xảy ra nhiều tổn thất nếu không có biện pháp ứng phó tích cực và đúng cách. Còn nhớ, cơn bão bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào Nam Trung bộ và quét qua một phần nam Tây Nguyên, ngày 4/11/2017, đã làm nhiều người chết và mất tích, hơn 500 ngôi nhà bị đổ sập cùng nhiều thiệt hại nặng nề khác. Trong số người chết, mất tích, có nhiều người là lao động làm công trên những lồng bè nuôi hải sản. Bão Damrey đã quần thảo 6 giờ liền ở ven biển và đất liền, chà đi xát lại, là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đổ bộ vào Khánh Hòa và phần phía nam tỉnh Phú Yên cho tới thời điểm đó.

Trong bão Damrey, số người chết, mất tích, nhà cửa bị tàn phá nhiều, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất chính là sự chủ quan, từ chính quyền cho tới người dân. Đây là vùng ít bão, nếu có thì bão cũng không mạnh nên chủ quan lại càng lớn. Cùng đó là sự thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với bão. Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, với tỉnh Khánh Hòa, rất ít khi có bão đổ bộ: Năm 1988, năm 1999, năm 2009 mỗi năm có 1 cơn và đến năm 2017 là bão số 12. Nay, sau 3 năm, bão mới “trở lại” khu vực này và cường độ của nó được dự báo là ngang ngửa và có thể còn mạnh hơn cả trận bão Damrey năm 2017.

Khu vực này lại có nhiều hồ đập thủy điện, thủy lợi lớn, nằm rải rác từ cao nguyên Tây Nguyên cho tới vùng duyên hải. Bão số 9 sẽ tạo ra những trận mưa rất lớn, nước các dòng sông, dòng suối sẽ lên rất nhanh, tạo ra những dòng chảy cực mạnh đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Hơn lúc nào hết, lúc này Nam Trung bộ phải căng mình chống bão. Cho dù nhiều biện pháp ứng phó đã được áp dụng nhưng tuyệt đối không được chủ quan vì đây là cơn bão rất lớn, gió giật rất mạnh, biển động dữ dội với vô vàn những con sóng hung dữ. Vùng ven biển, nơi đầu tiên phải chịu đựng gió giật mạnh khi đổ bộ vào đất liền và cũng là nơi cuối cùng chịu đựng lũ khi nước từ trên cao dồn xuống, người dân cần phải được sơ tán kịp thời tới nơi an toàn. Đặc biệt, với những lao động nuôi hải sản trên biển phải được đưa vào bờ ngay, không để bất cứ ai ở lại trên bè dù với bất cứ lý do gì. Việc điều tiết xả lũ cũng cần thực hiện nghiêm túc, trong mưa lũ tuyệt đối không được xả lũ, không được gây lũ kép cho hạ du.

Với các tỉnh Tây Nguyên, cũng cần hết sức lưu ý khi bão đã vào sâu trong đất liền thì hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, kéo dài. Những dãy núi sẽ chắn gió, chắn mưa lại, nên nó sẽ đổ xuống cực mạnh, tạo lũ.

Trong khi đó, theo cơ quan khí tượng thủy văn, từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt. Từ ngày 28 đến ngày 31/10, từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt. Từ đêm ngày 27/10 đến ngày 1/11, trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động 3, có sông trên mức báo động 3.

Bình tĩnh, không hốt hoảng nhưng cũng không được chủ quan, chỉ có thế chúng ta mới cùng nhau vượt qua được cơn bão dữ dội này.

Nam Việt