Diễn biến mới cuộc đua vào Nhà Trắng

Phan Quang Vũ 28/10/2020 06:58

Ngày 27/10, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin bà Amy Coney Barrett chính thức trở thành Thẩm phán Tòa tối cao của nước này. Điều đó không khác gì “món quà” ông Donald Trump nhận được trước thềm bầu cử, khi thời điểm quyết định ngày 3/11 đã đến gần.

Việc bà Barrett ngồi vào ghế Thẩm phán Tòa tối cao là lợi thế cho ông Trump trong cuộc chiến pháp lý rất có thể sẽ diễn ra ngay khi cuộc bầu cử kết thúc.

Cuộc quyết đấu Trump - Biden đã bước vào những ngày cuối cùng. Nguồn: Financial Times.

1. Cuối cùng, thì Thượng viện Mỹ cũng cũng đã bỏ phiếu xác nhận đề cử của Tổng thống Donald Trump đối với bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa tối cao, thay cho cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg; với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống.

Như vậy, bà Barrett đã trở thành Thẩm phán Tòa tối cao thứ 115 và là người phụ nữ thứ 5 phục vụ tại cơ quan này trong lịch sử Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa 2 thẩm phán bảo thủ khác đã được đương kim Tổng thống đề cử trước đây, là ông Neil Gorsuch (53 tuổi) và ông Brett Kavanaugh (55 tuổi), sẽ đại diện cho 1/3 số thẩm phán của Tòa tối cao, là “tấm lá chắn” cực kỳ quan trọng cho ông Trump khi mà cán cân quyền lực tại Tòa tối cao nghiêng sang phe bảo thủ nhiều hơn với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do.

Bà Barrett (năm nay 48 tuổi) bắt đầu cương vị Thẩm phán vào năm 2017 và là Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 7 của Mỹ. Với nước Mỹ, Tòa tối cao là nơi đưa ra các quyết định quan trọng, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ, kể cả đối với giới cầm quyền. Trước khi trở thành Thẩm phán tòa tối cao, bà Brarrtt làm việc tại Tòa phúc thẩm số 7; là giáo sư luật tại Trường Luật Notre Dame, nơi bà giảng dạy về thủ tục dân sự, luật hiến pháp.

Bà Amy Coney Barrett.

2. Vì sao việc bà Barrett trở thành Thẩm phán Tòa tối cao lại đặc biệt quan trọng ở giai đoạn này?

Nói một cách đơn giản vì rằng cả hai đối thủ trên đường đua Trump - Biden đều ngờ rằng sẽ có một cuộc chiến pháp lý về kết quả bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11 tới. Trên thực tế, cả hai đều đã tập hợp đội ngũ luật sư hùng hậu cho mình, chuẩn bị cho tình huống kết quả bầu cử không được quyết định bằng phiếu bầu, mà là tại Tòa án tối cao.

Truyền thông Mỹ cho biết, cả hai ứng viên đều đã tập dượt các tình huống cho luật sư, đưa ra bản thảo lời biện hộ, bản ghi nhớ và hồ sơ bằng chứng cho các trường hợp có thể xảy ra.

Nhiều ngày qua, ông Trump đã gieo rắc sự hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử, trong trường hợp thất cử thì sẽ đệ đơn lên Tòa Tối cao liên bang. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này trong hơn một năm”- Cố vấn trưởng của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Justin Riemer nói với AP. “Chúng tôi đang làm việc với đội ngũ tranh cử về chiến lược chuẩn bị kiểm phiếu lại, cho các hoạt động của ngày bầu cử và kiện tụng”.

Còn với đảng Dân chủ, chương trình bảo vệ bầu cử của êkíp ông Biden bao gồm nhóm tranh tụng đặc biệt với hàng trăm luật sư do ông Walter Dellinger (luật sư Nhà Trắng thời ông Bill Clinton) và Donald Verrilli (luật sư Nhà Trắng thời ông Obama) dẫn đầu.

Cũng cần nhắc lại, hai ứng viên đều trong tâm thế sẵn sàng đưa nhau ra tòa, vì rằng họ đã không quên được cuộc bầu cử năm 2000: Kết quả của cuộc đua giữa George W. Bush và Al Gore năm đó đã phải được quyết định tại Tòa tối cao.

Và cũng chính vì thế, trong một bước ngoặt được coi là bất thường, ông Trump đã đã cố gắng hết sức để đẩy nhanh việc bổ nhiệm Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa tối cao; để quyết định bất kỳ tranh chấp bầu cử nào theo hướng có lợi cho mình.

3. Tới thời điểm này, chỉ còn 1 tuần sẽ đến hồi kết của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, người ta cho rằng nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ ủng hộ thì cũng rất khó nói ông Trump thắng hay ông Biden thắng, tuy rằng theo một số thăm dò thì số người ủng hộ ông Biden có nhỉnh hơn.

Đây là cuộc chạy đua vào Nhà Trắng được coi là “rất khác biệt”. Trong hai lần tranh luận trực tiếp trên truyền hình cũng như trong tất cả những địa điểm vận động tranh cử, cả hai đều tìm mọi cách vạch ra những điểm yếu của đối thủ và đều cho rằng nước Mỹ sẽ hùng mạnh hơn nếu mình là Tổng thống.

Mới đây nhất, ngày 25/10, tại một buổi hòa nhạc trực tuyến, ông Biden nói rằng “nếu Trump đắc cử, chúng ta sẽ ở trong một thế giới khác”. Điều đó được coi là thông điệp “nhắc đi nhắc lại” để cử tri Mỹ không quên “mối đe dọa” đến từ ông Trump.

Liên quan tới cuộc bầu cử, ngày 27/10, theo số liệu của CNN, hơn 60 triệu phiếu bầu sớm đã được gửi tới các điểm bỏ phiếu. Theo đó, 33 bang đã có tổng số phiếu bầu sớm cao hơn con số trong cuộc bầu cử năm 2016.

Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát của Atlanta Journal-Constitution về tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ tại bang Georgia, hai ứng cử viên đang bám đuổi nhau quyết liệt: Ông Trump chỉ kém ông Biden 1 điểm phần trăm (46% so với 47%) về tỷ lệ ủng hộ của những cử tri được hỏi.

“Tôi nghĩ cuộc bầu cử năm nay sẽ kết thúc tại Tòa tối cao. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải nhanh chóng có 9 thẩm phán” - Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng ngày 23/9. Ý ông Trump là việc thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời khiến Tòa tối cao Mỹ chỉ còn 8 người nên không thể ra phán quyết áp đảo trong các trường hợp hệ trọng và gây tranh cãi. Vì thế, việc bà Barrett trở thành Thẩm phán Tòa tối cao ngày 26/10 giống như sự “bảo hành” cho chiến thắng của ông Trump nếu kết quả bầu cử vào ngày 3/11 tới phải nhờ tới sự quyết định của pháp luật.

Phan Quang Vũ