Dựa vào dân để xây dựng Đảng
Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng và sự giám sát của nhân dân, MTTQ và các đoàn thể trong việc giám sát việc giới thiệu, quy hoạch cán bộ là rất quan trọng. Qua đó nâng cao trách nhiệm trong việc giới thiệu người trong công tác cán bộ của Đảng.
Hiện tượng đề bạt, cất nhắc người không đủ tiêu chuẩn tại sao vẫn diễn ra trong nhiều năm chưa được ngăn chặn? Trong nhiệm kỳ qua đã có hơn 100 cán bộ cấp cao bị xử lý đã để lại những bài học đau xót trong việc bổ nhiệm sử dụng cán bộ. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý thời gian qua là “cái giá phải trả không ít”, qua đó cho thấy Đảng xử lý nghiêm túc, Chính phủ nhìn thẳng sự thật.
Thực tế đã chứng minh từ sau Đại hội XII đến nay nhiều cán bộ bị kỷ luật. Để ngăn chặn những vi phạm có thể tái diễn, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó đã quy định rõ quy trình 5 bước với nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Với một quy trình chặt chẽ như vậy, kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa tình trạng giới thiệu người không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy.
Tuy nhiên, làm sao để lựa chọn được người xứng đáng, những người có thể đứng đúng vị trí mà Đảng cần, dân mong? Để làm được điều đó, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, các cơ quan tổ chức và cơ quan kiểm tra của Đảng phải vào cuộc.
Theo ông Hùng, tiêu chuẩn là yếu tố số một, còn cơ cấu chỉ là yếu tố số hai. Bên cạnh việc đọc kỹ lý lịch của từng người thì phải nắm và nghe dư luận. Cụ thể, cán bộ làm công tác tổ chức và kiểm tra phải đi làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra các tỉnh về những nhân sự này. Bởi Tỉnh ủy, cấp ủy các nơi đều phải nắm về cán bộ xem ai là người gần gũi với dân, trung thực liêm chính, những ai có vấn đề.
“Cứ hỏi dân là biết hết. Dân ở đây có nghĩa rộng như lời ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì “chúng ta là dân”, ngay những cán bộ cấp cao khi nghỉ hưu cũng là dân. Cho nên người làm công tác tổ chức, kiểm tra… phải luôn luôn ý thức chức năng kiểm tra, giám sát”- theo ông Hùng.
Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Ðảng. Chính vì lẽ đó, nhiều cán bộ, đảng viên cũng cho rằng cần lắng nghe ý kiến phản ánh từ nhân dân, bởi đây là kênh thông tin quan trọng trong công tác lựa chọn, đánh giá cán bộ. Khi dựa vào sự phản ánh của nhân dân, các cấp ủy sẽ có thêm thông tin để phân tích, sàng lọc, giám sát, nhận diện phát hiện cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, cán bộ đảng viên có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. Từ đó không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn.
Theo ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong thực hiện quy trình 5 bước rất cần sự giám sát của tập thể, cơ quan, cán bộ đảng viên và người dân. Qua đó để người dân nhận xét, đánh giá xem cán bộ đó có quan liêu, hách dịch hay không? Nếu thực hiện quy trình 5 bước cộng với sự giám sát chặt chẽ của người dân, dư luận xã hội, khó có thể lọt người không tài, không đức vào trong bộ máy.
“Dù việc góp ý kiến của nhân dân chỉ là kênh tham khảo nhưng ý kiến này lại vô cùng quan trọng và hệ trọng. Công tác cán bộ là việc của Đảng trong bố trí, phân công nhưng lắng nghe ý dân sẽ hạn chế đến mức thấp nhất lọt lưới đối tượng không xứng đáng”- ông Hòa nói.
Trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, yếu tố quan trọng được dư luận và cán bộ đảng viên quan tâm nằm ở việc trách nhiệm của người giới thiệu. Từ lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã minh chứng rõ nét tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định điều đó nhiều lần. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy phải đề cao trách nhiệm đối với công tác cán bộ ở mỗi chi bộ, đảng bộ. Vì thế, phát huy trách nhiệm của mỗi cấp ủy viên đối với công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hiện nay.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đánh giá cán bộ cần phải đánh giá cả một quá trình của cán bộ, từ phẩm chất đạo đức và năng lực, phong cách lãnh đạo. Vì thế các cấp ủy phải có con mắt tinh tường, trong sáng.