Cấp bách giữ đê biển Tây
Cà Mau đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ vững tuyến đê biển Tây trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng thời gian qua. Những đoạn đê xung yếu sẽ được ưu tiên khắc phục, hoàn thiện các tuyến kè phía ngoài đê…
Nhiều điểm sạt lở cực kỳ nguy hiểm
Đê biển Tây địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài 55 km, được nâng cấp hoàn thành giữa năm 2019, kinh phí thực hiện khoảng 1.600 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, đã xuất hiện 5 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có tổng chiều dài trên 5.800m. Trong đó, huyện Trần Văn Thời có 3 điểm sạt lở gồm: Đoạn Kênh Mới đến Đá Bạc, đoạn từ Đá Bạc đến Sào Lưới, đoạn Bắc Sào Lưới về Ba Tĩnh; huyện U Minh có 2 điểm sạt lở gồm: Đoạn Bắc - Nam Vàm Khánh Hội, Giồng Cát đến Tiểu Dừa. Các đoạn bị sạt lở đang diễn biến rất phức tạp. Có nơi đai rừng còn rất mỏng, thậm chí không còn đai rừng phòng hộ, uy hiếp trực tiếp đến thân đê, nguy cơ ảnh hưởng khu dân cư tập trung, hệ thống điện cao thế, trung thế, trạm y tế, trường học…
Giải pháp trước mắt của tỉnh Cà Mau là sẽ cho đào một con kênh trữ nước khác nằm cặp dự án tái định cư đê biển Tây, sau đó lấy đất lấp đầy con kênh nằm dọc theo chiều dài công trình lộ trên đê biển Tây, đoạn Đá Bạc đến cống Kênh mới. Trường hợp không đủ đất sẽ bơm một lượng bùn bổ sung để tạo phản áp giảm thiểu sụp lún phá vỡ kết cấu công trình.
Mới đây ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã đến hiện trường kiểm tra thực tế và chỉ đạo lực lượng hộ đê duy trì lực lượng, phương tiện, ứng trực 24/24 để gia cố, bảo vệ thân đê.
Trước nguy cơ vỡ đê khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở NNPTNT phối hợp với 2 huyện trên khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển cảnh báo. Các huyện phải bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở, khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở bảo vệ đê…
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo cương quyết vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực đê biển Tây; giới hạn tải trọng xe lưu thông qua khu vực này…
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tuyến đê biển Tây thời gian qua bảo vệ cư dân và vùng sản xuất cho 5 xã của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời với hơn 120.000 ha đất sản xuất. Ngoài ra là lá chắn bảo vệ hệ sinh thái rừng tràm và cả vùng nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn hộ dân nơi đây. Tuy nhiên khoảng thời gian vài năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, từng mảng rừng phòng hộ bị sóng cuốn trôi ăn sâu vào thân đê và không có xu hướng dừng lại. Ngành chức năng của Cà Mau lo lắng tài sản, mùa màng của người dân phía trong đê đang bị uy hiếp, khẩn cấp có các phương án để đối phó.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích đai rừng phòng hộ bảo vệ đê bị sóng biển cuốn trôi hoặc còn lại rất mỏng. Lá “phổi xanh” bảo vệ đê không còn đặt đê biển Tây đứng trước nguy cơ bị báo động.
Hàng chục hộ dân sống cạnh đê biển Tây (thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) mỗi khi nghe sóng gầm hay thời tiết thất thường lại lo lắng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án để ứng phó tạm thời. Một người dân ở đây cho biết: Sóng dập liên hồi, thì đê bao nào chịu cho nổi. Khu vực đê này cũng không biết chống chịu được bao lâu…”.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết thêm: Đê biển Tây đang trong tình trạng báo động vì mưa bão và triều cường dâng cao. Trước mắt, đơn vị đang tập trung bảo vệ các đoạn đê xung yếu, cụ thể như lát đá để giữ chân đê; chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện hệ thống kè phía bên ngoài. Đối với những đoạn chưa có kè bảo vệ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo tính các phương án và lập dự án căn cơ để bảo vệ đai rừng, tuyệt đối không để mất đai rừng”- ông Nam thông tin thêm.
Ngành chức năng của Cà Mau cũng đang tích cực tạo quá trình bồi lắng để khôi phục lại đai rừng phòng hộ...