Nghệ An: Hời hợt trong xử lý an toàn hồ đập
Việc kiểm tra diễn ra hàng năm nhằm nhắc nhở các nhà máy thủy điện khắc phục đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Trước tình hình mưa lũ thất thường, việc bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, thủy điện là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh Nghệ An. Vậy nhưng, cũng tại địa phương này, sau khi có quyết định kiểm tra, dù phát hiện vi phạm nhưng cơ quan chức năng đã không tiến hành lập biên bản, cũng như xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư thủy điện.
Nhiều bất cập
Thực hiện thông báo kết luận của UBND tỉnh, ngày 13/8/2020 Giám đốc Sở Công thương Nghệ An đã ban hành quyết định lập Đoàn kiểm tra an toàn đập, hồ chứa và an toàn điện của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời hạn kiểm tra trong vòng 17 ngày. Quá trình kiểm tra Đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp với 11 nhà máy thủy điện, đồng thời có công văn yêu cầu chủ sở hữu các nhà máy còn lại tự kiểm tra, báo cáo.
Sau kiểm tra, sở Công thương Nghệ An đã có báo cáo nhanh số 1450/SCT-BC.QLNL ngày 9/9/2020 về kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, đến ngày 24/9/2020 Sở Công Thương có báo cáo số 1568/SCT - BC.QLNL bổ sung và thay thế báo cáo 1450 bởi vì chưa đưa phần kiến nghị, đề xuất vào báo cáo.
Theo báo cáo, quá trình kiểm tra Đoàn đã phát hiện một số vi phạm như: Các nhà máy thủy điện chưa mua sắm, trang bị vật tư, thiết bị đầy đủ theo danh mục kèm theo phương án bảo vệ đập hồ chứa; lực lượng bảo vệ chuyên trách nhưng đa số không có chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ.
Các nhà máy thuỷ điện chưa thực hiện nghiêm quy trình bảo vệ, tuần tra. Trong số 11 nhà máy thủy điện thì máy phát điện Diesel của thủy điện Xoỏng Con (Tương Dương) không hoạt động, điều này làm ảnh hưởng trong việc dùng để đóng mở cửa van, phục vụ công tác phòng ngừa, khắc phục sự cố. Hầu hết các chủ sở hữu đập, hồ chứa chưa thực hiện việc lập kế hoạch và triển khai diễn tập theo phương án đã được phê duyệt.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hoạt động không được cấp phép trong phạm vi bảo vệ hồ chứa như neo đậu thuyền bè khu vực hồ chứa và hạ du đập thủy điện Nậm Nơn, nuôi cá trên lòng hồ tại thủy điện Châu Thắng.
Có nương nhẹ vi phạm?
Tuy phát hiện ra vi phạm nhưng tất cả các vi phạm được nêu trong báo cáo 1568 nói trên, không có vi phạm nào bị xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu chiếu theo Quyết định của Sở Công thương thì Đoàn thanh tra có nhiệm vụ: “Kiểm tra thực hiện các quy định hiện hành của nhà nước về an toàn hồ đập, an toàn điện đối với các công trình thủy điện, công trình điện trên địa bàn tỉnh, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương xử lý. Tổng hợp kiểm tra báo cáo UBND tỉnh theo quy định”.
Vậy nhưng, thực tế Đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra dù phát hiện vi phạm nhưng không tiến hành lập biên bản vi phạm đối với các hành vi vi phạm đến mức phải xử lý.
Theo Nghị định 134/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện thì những hành vi trên đều bị xử phạt với số tiền hàng chục triệu đồng.
Cụ thể như tại nhà máy thủy điện Xoỏng Con, máy phát điện Diesel của thủy điện không hoạt động, chiếu theo Nghị định 134 với vi phạm này “phạt tiền từ 65 - 75 triệu đồng. Với hành vi “không chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu, vật tư dự phòng cho công tác phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập thủy điện theo phương án đã được phê duyệt” bị xử phạt 45 - 50 triệu đồng.
Thậm chí, theo nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính (Luật số: 15/2012/QH13) thì mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc này, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương, đồng thời là Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Sau kiểm tra đoàn đã kịp thời báo cáo kết quả kiểm tra để UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. Việc kiểm tra diễn ra hàng năm nhằm nhắc nhở các nhà máy khắc phục đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Việc không xử phạt vi phạm hành chính là chủ trương của tỉnh, cái nữa là những vi phạm này khắc phục được.