Để hộ kinh doanh ‘trưởng thành’

T.Hằng 28/10/2020 09:30

Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong năm 2020 đã không thể đạt được. Vì vậy, thời gian tới cần phải bổ sung một lượng doanh nghiệp đủ chất vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cần tạo điều kiện hơn để hỗ trợ cho hộ kinh doanh vươn lên thành doanh nghiệp (DN).

Hộ kinh doanh là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp một phần vào tăng trưởng GDP. Thống kê của Tổng cục Thuế chỉ ra từ năm 2018 đến hết tháng 9/2020, số thu từ hộ kinh doanh toàn quốc đạt 50.607 tỷ đồng.

Cũng theo thống kê, cả nước có khoảng 120.000 DN thành lập mỗi năm, trong đó, khu vực kinh tế hộ gia đình, DN siêu nhỏ, con số thành lập mới là khoảng 150.000- 160.000, lớn hơn nhiều khu vực DN đăng ký hoạt động chính thức. Bởi vậy, nếu lực lượng này được “chăm lo”, tạo điều kiện để “lớn lên” thành DN, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Song khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn về các vấn đề liên quan đến người lao động, thuế, bảo hiểm xã hội. Trong khi theo luật pháp hiện nay hộ kinh doanh cũng phải thực hiện những nghĩa vụ đó, nhưng việc kiểm soát không chặt chẽ như đối với doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến việc rất nhiều hộ kinh doanh cá thể sử dụng nhiều lao động nhưng họ không đóng bảo hiểm xã hội và gần như cũng không có cơ quan nào kiểm tra. Đây cũng là nguyên nhân, các hộ kinh doanh không muốn “trưởng thành”.

Giới chuyên gia cho rằng, cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước làm động lực để hộ, cá nhân kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích: Cần tạo điều kiện cho hộ gia đình và DN siêu nhỏ phát triển, bằng cách tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, có những DN lớn hơn dẫn dắt và được ưu đãi về thuế, mặt bằng sản xuất…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bản thân các hộ kinh doanh có điểm khác biệt nhau về năng lực và quy mô. Vì vậy trong quá trình hỗ trợ hộ kinh doanh, ngoài các khung chính sách chung được ban hành, bản thân các Cục Thuế cũng cần phân loại hộ kinh doanh để có sự hỗ trợ trực tiếp.

Song quan trọng hơn tất cả là việc không thể chậm trễ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Việc cần làm ngay để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh nói riêng và cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung là quyết liệt giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để họ yên tâm kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó là giảm chi phí vốn để cho hộ kinh doanh có cơ chế vay mượn hợp lý, tích luỹ đầu tư.

T.Hằng