Sinh kế từ rừng
Rừng không chỉ là lá phổi của trái đất mà còn là sinh kế cho rất nhiều hộ gia đình nghèo. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh bảo vệ, phát triển rừng đã giúp người dân của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhiều hộ dân còn nghèo nên lãnh đạo tỉnh Lai Châu luôn trăn trở các phương án để giảm nghèo cho người dân. Xác định rừng và đất rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức cho người dân, chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng.
Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của thôn bản, tổ dân phố, khu dân cư.
Bên cạnh việc vận dụng các chủ trương, chính sách để triển khai trồng rừng phòng hộ, rừng thay thế, tỉnh còn quan tâm trồng rừng sản xuất để gắn lợi ích kinh tế với nâng độ che phủ rừng, giúp dân gắn bó với rừng. 3 đề án phát triển trồng quế, sơn tra và mắc ca đã được tỉnh ban hành cùng với nhiều hỗ trợ về cây giống, phân bón, công chăm sóc. Ba loại cây trồng này không chỉ đem lại thu nhập cao mà khi rừng tốt, bà con còn được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 13 chủ rừng là tổ chức, 106 đơn vị cấp xã được Nhà nước giao quản lý rừng, còn lại là các cá nhân, hộ gia đình. Thu nhập bình quân của các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng từ 2 triệu đồng năm 2012 lên 6,5 triệu đồng năm 2019. Một khoản thu không nhỏ với các hộ gia đình ở vùng cao, vùng sâu. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh cũng đã chi trả số tiền hơn 2.000 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng cho 78.754 hộ dân, với trên 445.000 ha diện tích rừng…
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Do có thế mạnh về diện tích đất lâm nghiệp, những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người trồng rừng, góp phần giúp bà con các dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo bền vững. Xã giáp biên Bắc Xa (huyện Ðình Lập), 10 năm về trước còn là xã đặc biệt khó khăn, không điện, không trạm xá, không nhà văn hóa thôn bản và không nhà mẫu giáo. Nhưng hiện nay, bản làng đã khang trang rất nhiều nhờ các cánh rừng thông đã cho khai thác.
Theo Chủ tịch UBND xã Bắc Xa Tô Ðức Sơn, toàn xã hiện có hơn 11 nghìn ha rừng thông, trung bình mỗi hộ trồng từ 10 đến 20 ha, nhiều hộ trồng khoảng 40 ha. Ðã có khoảng 25% diện tích thông cho khai thác. Năm 2009, cả xã chỉ thu được 85 tấn nhựa thông thì đến năm 2018 đã tăng lên 1.200 tấn, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, trung bình mỗi hộ trồng thông có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), thời gian gần đây, đời sống của người xã Đài Xuyên đã có những bước phát triển đáng kể, trong đó một trong những phương kế không thể không nhắc đến đó là phát huy tiềm năng, lợi thế từ rừng. Xác định trồng rừng lấy gỗ là lợi thế lớn nhất, xã đã kết hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn tiến hành giao đất, giao rừng cho người dân và xây dựng cơ sở chế biến gỗ tại địa phương để nâng cao giá trị sản xuất. Hiện toàn xã đã có 264 hộ được giao rừng với tổng diện tích 819 ha, giá trị cây trồng chuẩn bị cho thu hoạch lên tới gần 100 tỷ đồng.
Trước nạn tàn phá rừng vẫn diễn ra gây nhức nhối xã hội, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng cần sớm có cơ chế, chính sách phục hồi và bảo vệ phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.