Nuôi ốc thương phẩm
Từ diện tích ruộng trũng bỏ hoang cấy lúa bấp bênh, sau một năm đầu tư nuôi ốc nhồi giống, ốc thương phẩm cung cấp cho thị trường, gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng thôn Trung Văn, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Anh Hưởng cho rằng, con ốc nuôi dễ, sinh trưởng phát triển tốt nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong vệ sinh nguồn nước, chất lượng thức ăn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 7-10 so với trồng lúa.
Sau 6 tháng tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi của các hộ nuôi ốc nhồi tại trên 20 mô hình nuôi ốc từ năm 2019, anh đã mua lại 2,5 ha diện tích ruộng trũng canh tác khó khăn, trồng lúa bấp bênh tại quê hương Minh Đức, huyện Tứ Kỳ.
Với số vốn tự có và vay mượn gần 1 tỷ đồng, anh đã đào 38 ao nuôi và mua 3 tạ ốc giống từ nhiều mô hình nuôi ốc đã cho hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương khác nhau về nuôi. Trong mỗi ao anh đều thả bèo tấm, bèo lục bình và cây rong đuôi chó giúp cho nước trong ao luôn luôn sạch và không có hóa chất độc hại.
Theo anh Hưởng đặc tính của con ốc là môi trường nước phải sạch, nước bẩn sẽ làm ốc chết hoặc sinh bệnh ảnh hưởng đến năng suất nuôi. Nuôi ốc đầu tư thấp, nguồn thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là những sản phẩm phụ trong vụ canh tác của gia đình như mướp, bầu, bí, khoai lang, lá sắn và các loại rau củ đã bị loại trong khi thu hoạch.
Với nuôi ốc nhồi cần chú ý là nguồn thức ăn phải sạch, không có hóa chất và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Sau 4 tháng nuôi, những con ốc giống đã bắt đầu đẻ trứng và cho thu ốc thương phẩm. Với những con ốc to, khỏe mạnh anh lựa chọn nuôi để tiếp tục nhân giống và sản xuất nguồn giống cho các vụ tiếp theo.
Hiện nay, ốc nhồi là sản phẩm sạch nên thu hoạch bao nhiêu là anh bán hết, nhiều lúc không có ốc bán. Từ lúc bắt tay vào nuôi ốc là cuối năm 2019 đến tháng 9/2020, gia đình anh đã thu cung cấp ra thị trường 60 kg trứng ốc, 60 vạn ốc giống và 3,5 tấn ốc thương phẩm.
Thu nhập từ bán trứng ốc, ốc giống và ốc thương phẩm của gia đình anh đạt gần 400 triệu đồng. Hiện tại, gia đình anh đang có 15 ao chuẩn bị cung cấp ốc thương phẩm cho thị trường và để qua đông làm ốc bố mẹ cho vụ ốc năm 2021.
Anh Hưởng cũng cho biết, sau 4 tháng nuôi ốc bắt đầu sinh sản, mỗi lần ốc đẻ 1 buồng từ 120-150 trứng ốc. Trứng ốc sau khi thu hoạch được đưa lên khay để ấp tại khu vực thông thoáng, râm mát, trứng ốc phải thường xuyên được tưới nước để giữ độ ẩm cho trứng.
Khay dùng để ấp trứng ốc anh làm khá đơn giản, 4 viền xung quanh làm bằng tre, gỗ sẵn có, giữa căng lưới mắt nhỏ đặt sát mặt nước, sau từ 15-20 ngày ốc con nở và tự rơi xuống nước. Ốc non được nuôi trong ương khoảng 1 tháng trước khi chuyển ra ao nuôi thương phẩm hoặc nuôi làm ốc bố mẹ. Khi áp dụng đúng kỹ thuật tỷ lệ trứng nở đạt từ 95-100%, ốc con to bằng đầu đua có thể đưa ra ao nuôi thương phẩm.
Mỗi kg ốc thương phẩm được bán tại chỗ với giá từ 80-90 nghìn đồng/kg. Trong năm 2020, gia đình anh dự kiến cung cấp cho thị trường từ 10-12 tấn ốc thương phẩm, 40 kg trứng ốc, 40 vạn con ốc giống. Với mô hình nuôi ốc này cho thu nhập gấp từ 6-7 lần so với trồng lúa.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, không chỉ xã Minh Đức mà nhiều địa phương trong tỉnh đã có hàng trăm hộ nuôi ốc nhồi từ những diện tích vùng trũng cấy lúa bấp bênh. Ốc nhồi sinh trưởng, phát triển tốt, dễ nuôi và phù hợp với đồng đất ở nhiều địa phương.