Sức ép đến từ những người khổng lồ
Thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư ngoại và càng trở nên hấp dẫn hơn khi chúng ta đang thực hiện những FTA thế hệ mới. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng gay gắt.
Người tiêu dùng trong nước không còn lạ lẫm khi nghe đến những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ như Lotte, Aeon... và đi kèm với những tên tuổi này là những trung tâm thương mại lớn, hiện đại, lừng lững giữa các khu đô thị, các thành phố lớn.
Và tất nhiên, điều này cũng đang tạo ra những sức ép không hề nhỏ đối với các DN bán lẻ nội.
Giới chuyên gia ngành bán lẻ đánh giá, sự thâm nhập mạnh mẽ của các “người khổng lồ” nước ngoài nhằm mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức, gây những áp lực lớn, là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa bởi nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần.
Nhất là khi phần lớn DN nước ta có quy mô nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế. Thực tế, cho đến nay, chỉ có một số ít DN lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, VinCommerce, BRG Retail… gây dựng được thương hiệu, đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Nhận định về bức tranh của ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương nêu quan điểm, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt khi ngày càng có nhiều hình thức bán lẻ hiện đại xuất hiện.
Theo bà Nga, hiện cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền.
“Đến hết năm 2020 này, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm”, bà Nga cho biết.
Mặc dù có sự phát triển vượt bậc, song, theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, hiện nay, thị phần bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines (33%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%) và Singapore lên đến 90%.
Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết mới tập trung tai các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn đang bị bỏ ngỏ.
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Chuyên gia Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội, cho biết ngành bán lẻ nước nhà đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi.
Cũng theo ông Phú, việc thực thi các cam kết EVFTA cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, lúc đó sẽ không còn khái niệm “sân nhà”.
Điều này cho thấy thách thức đối với DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa.
Gợi ý các giải pháp để phát triển thị trường bán lẻ trong nước gắn liền với phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật và chính sách cho sự phát triển của thị trường bán lẻ.
“Cụ thể, Nhà nước cần có chính sách phù hợp với các cam kết quốc tế nhưng đồng thời bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ lẻ, hàng hóa và thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ…”, ông Phú nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới, nếu DN không chủ động hội nhập, có chiến lược bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà.
Do đó theo ông Vượng, DN cần đầu tư cho chuỗi bán lẻ, tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường.