Cân nhắc cấp phép hãng bay mới
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Vietravel Airlines làm rõ năng lực tài chính trước khi cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho doanh nghiệp này. Giới chuyên gia cũng đề nghị, cần tính đến phương án tạm thời chưa cấp phép cho ra đời hãng hàng không trong vài năm tới.
Tại công văn số 10666 về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Qua rà soát báo cáo tài chính quý 2/2020 của Công ty mẹ Vietravel, Bộ Tài chính thấy một số chỉ tiêu về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm ngày 30/6/2020 như sau: Tổng nợ phải trả là 1.578 tỉ đồng gồm: nợ phải trả ngắn hạn là 862 tỉ đồng, nợ phải trả dài hạn là 715 tỉ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn là 942 tỉ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 10,8 lần; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần. Lợi nhuận trước thuế là âm 65 tỉ đồng.
Bộ Tài chính nhận định các chỉ tiêu về tình hình tài chính nêu trên cho thấy nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trong năm 2020 - 2021 và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như 6 tháng đầu năm 2020 thì Công ty mẹ Vietravel có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu trị giá 700 tỉ đồng có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại VPBank.
Khoản trái phiếu này được phát hành để đầu tư vào Vietravel Airlines và bị phong tỏa tại ngân hàng sẽ đến hạn thanh toán vào tháng 9-2021. Trong khi đó, phương án dự kiến Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác - năm 2021.
Bộ GTVT đề nghị: Trên cơ sở báo cáo tiếp thu, giải trình của Công ty Vietravel và Vietravel Airlines, Cục Hàng không tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT và đề xuất thời điểm cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.
Trước đó, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, hàng không Việt Nam vẫn đang là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực. Năm 2019 cũng ghi nhận kỷ lục khi có tới 4 hãng hàng không xếp hàng chờ bay gồm Vietstar Airlines, Vietravel Airlines, Kite Air và Vinpearl Air (tháng 1/2020, Vingroup bất ngờ tuyên bố dừng lập Vinpearl Air). Tuy nhiên, mọi dự báo trên thị trường đã hoàn toàn đảo ngược từ đầu tháng 2 tới nay.
Vào thời điểm này, nhìn nhận về việc cấp phép cho các hãng hàng không mới hiện nay, chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam cho hay: Thị trường sẽ bị thu hẹp, trước mắt chỉ còn trông chờ ở đường bay trong nước. Do khủng hoảng thu nhập, việc làm nên nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không cũng không thể bằng trước. Về dài hạn, hàng không thế giới cũng chậm phục hồi, nhu cầu đi lại không thể bằng trước dịch. Diễn biến khó lường của dịch khiến chi phí hàng không tăng cao. Vì vậy, chỉ đạo chưa cấp phép cho Kite Air và yêu cầu rà soát, đánh giá lại việc thành lập mới hãng hàng không trong tình hình mới là một quyết định đúng đắn.
Đồng quan điểm, PGS Ngô Trí Long cũng đề nghị cần tính đến phương án tạm thời chưa cấp phép cho ra đời hãng hàng không trong vài năm tới.
Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng, theo nguyên tắc thị trường, càng cạnh tranh càng có lợi cho người tiêu dùng, nhưng điều này chưa hẳn đúng với hàng không. Đặc biệt, nếu thêm hãng mới sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh như lôi kéo khách, gây thất thu, lãng phí mỗi chuyến bay và nhà nước cũng thất thu thuế từ các hãng hiện nay.
Theo giới phân tích, tình hình hiện nay rất bất lợi và dễ gây chết yểu cho các hãng hàng không mới khi “miếng bánh” thị phần đã thu hẹp rất nhiều, chi phí tăng cao trong khi năng lực của các chủ dự án hãng hàng không đã bị suy kiệt bởi Covid-19. Do đó cần cân nhắc việc cấp phép cho các hãng bay trong điều kiện khó khăn hiện nay.