Trăn trở với sân khấu Thủ đô
Tự hào là mảnh đất hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, Hà Nội đang sở hữu một kho tàng để lĩnh vực sân khấu có thể khai thác và phát huy. Thế nhưng, thực tế nguồn “tài nguyên” này đến nay dường như vẫn gặp phải một rào cản “vô hình”.
Cùng hòa nhịp vào sự phát triển của văn hóa nghệ thuật cả nước, sân khấu Hà Nội trong những năm qua đã góp phần không nhỏ vào xây dựng con người và môi trường xã hội ở Thủ đô với nhiều hình thức sáng tạo đa dạng. Ở đó, ghi nhận sự gia tăng về số lượng các tác phẩm của các Nhà hát qua từng năm. Thế nhưng, nhìn vào những thành công trên dù có sự phát triển nhưng không khỏi khiến nhiều người làm nghệ thuật và ngay khán giả cũng cảm thấy phải “chạnh lòng”.
Đầu tiên, không thể phủ nhận hiện nay chất văn học Hà thành ngày càng vắng bóng, hiếm hoi trên văn đàn thì bên sân khấu kịch mục, vở diễn thực sự về cuộc sống Hà Nội hiện nay trong hơn hai thập niên này quá ít, nếu không muốn nói là không có.
Theo tác giả Nguyễn Hiếu- Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, sự thật đáng buồn này tôi cho không phải vì tác giả đang sống ở Hà Nội yếu kém, hoặc thiếu hụt tình yêu với thành phố mình đang sống, vì người cầm bút nhất là những tác giả kịch là những người luôn tiếp cận và phát hiện rất nhanh những xung động trung tâm, lõi cuộc sống để đưa vào tác phẩm của mình. Nhưng dù viết về Hà Nội hay, hấp dẫn đến đâu mà đút ngăn kéo thì đến kiệt tác cũng chỉ bằng thừa. Tôi cũng không cho rằng các nhà hát, các đoàn kịch của Hà Nội sống trên đất Hà Nội thờ ơ với Hà Nội nhưng sự dũng cảm để dám dựng những kịch bản Hà Nội có đề tài đương đại đầy sức thu hút với người xem xong lại bị liệt vào đề tài nhạy cảm, thì tốt nhất ta tìm kịch bản kém một chút nhưng an toàn. Tôi cũng không cho rằng những người quản lý, lãnh đạo sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung của Hà Nội là những người ở tỉnh khác nên thiếu một tình yêu đau đáu với Hà Nội để văn nghệ Thủ đô ngày càng thiếu hụt, trống vắng chất Hà Thành.
Đồng quan điểm, NSND Bùi Thanh Trầm- Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nhìn nhận, nhìn nhận một cách trung thực, thẳng thắn thì sân khấu Thủ đô đang rất thiếu những kịch bản sân khấu có chất lượng về nghề nghiệp, tư tưởng, nội dung. Đấy là chưa đề cập đến một sự cách tân trong tiếp cận vấn đề, cách viết.
NSND Bùi Thanh Trầm cũng băn khoăn, liệu có phải đề tài hiện đại là quá khó đối với các nhà viết kịch? Vừa khó vừa không khó. Cái khó đối với người viết hiện nay khi dấn thân vào đề tài hiện đại đó là kiến thức về đời sống, xã hội, con người, đặc biệt ở những lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi những kiến thức chuyên môn phù hợp. Hầu như các tác giả chỉ đi vào những vấn đề chung với những kiến thức chung chung…
Những năm trước, nhiều loại hình nghệ thuật của ta có những tác phẩm xuất sắc bởi một phần không nhỏ người viết lăn lộn với thực tế cuộc sống; thậm chí người viết cũng đồng thời là người trực tiếp lao động, công tác ở cơ sở; hoặc người viết “cắm chốt” cùng ăn ở, sinh hoạt, làm việc một thời gian ở cơ sở. Khó nữa là muốn viết tới tận cùng, muốn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột kịch cho thấu triệt thì vấp phải những vùng cấm, những vùng nhạy cảm. Nhiều khi khâu kịch bản đã trót lọt nhưng để một vở kịch ra đời còn phải chỉnh sửa thế này, thế nọ…
Nghệ thuật sân khấu là đưa những vấn đề của đời sống qua hình thức biểu đạt của sân khấu, tác động trực tiếp đến con người, thế nhưng đưa lên sân khấu một vấn đề nửa vời, một cách tiếp cận khô cứng, công thức, sáo mòn…, thì sân khấu vắng khán giả là đương nhiên. Cái khó nữa là sự thiếu tâm huyết của chính một số người viết kịch. Căn bệnh hiện nay không chỉ riêng với nghệ thuật sân khấu đó là bệnh nghiệp dư, cẩu thả, dễ làm khó bỏ…
“Còn cái thuận cũng không ít, có điều những người viết kịch bản sân khấu về đề tài hiện đại có đủ tầm về tri thức, trí tuệ, dũng cảm, bản lĩnh… để viết hay không mà thôi. Đó là một thế giới mênh mông đất nước, con người Việt Nam hiện tại đang sống trong những hoàn cảnh, bối cảnh vô cùng điển hình. Xã hội Việt Nam hôm nay dung chứa trong nó vô tận những xung đột, mâu thuẫn, những hình tượng nhân vật đủ cả phẩm chất Hùng, Bi, Hài…”- NSND Bùi Thanh Trầm nói.
Để có những kịch bản hay, có tầm về đề tài hiện đại cho sân khấu Thủ đô, điều quan trọng cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu. Trước hết tư duy về những vấn đề liên quan đến kịch bản sân khấu. Phải biết chọn lọc và thẩm định được những người viết có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng. Mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật nên chú trọng tạo dựng riêng cho mình một vài tác giả sân khấu phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đầu tư và sinh lời….
Cùng với đó, ở góc độ làm nghề hãy đối xử bình đẳng với một kịch bản, không phân biệt của tác giả tên tuổi hay mới vào nghề, bởi tiêu chí cao nhất là kịch bản hay.
Nhiều nghệ sĩ sân khấu nhận định, sân khấu Hà Nội đang gặp một rào cản vô hình trong việc triển khai các đề tài hiện tại, đi sâu vào các vấn đề xã hội đương đại. Bên cạnh đó, các Nhà hát hiện nay hầu như đều chọn một cách đi an toàn. Để rồi từ đó khái niệm đi thưởng thức sân khấu với chính khán giả đang nặng về tính hoài niệm với các tác phẩm về đề tài lịch sử. Trong khi đó, sân khấu Thủ đô năm nào cũng tổ chức những trại viết rất rôm rả, nhưng kịch bản hay vẫn còn… ở phía trước!