Sao sống nổi…
Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, do Bộ GDĐT tổ chức vừa diễn ra tại TP HCM.
Tại đây, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GDĐT cho biết, tình trạng thiếu giáo viên hiện nay vẫn chưa được khắc phục. Một số tỉnh khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung có tỉ lệ giáo viên/lớp rất thấp.
Thống kê cũng cho thấy, năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, đây là số lượng còn thiếu năm học 2019-2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non. Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực nặng nề hơn đối với giáo viên đứng lớp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Trên thực tế lâu nay những tác động như lương thấp, chính sách hỗ trợ chưa thực sự phù hợp, công việc áp lực, thường xuyên phải làm thêm giờ… khiến nhiều sinh viên sư phạm mầm non ra trường chấp nhận làm trái ngành thay vì gắn bó với nghề. Đơn cử như tại một địa phương có nhiều KCN như Bắc Ninh, đại diện Sở GDĐT tỉnh cho hay: Lương cho các giáo viên mầm non hiện nay từ 4,1 đến khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ đi tiền đóng bảo hiểm, thì thu nhập của họ không thể đảm bảo cuộc sống. Có nhiều sinh viên có bằng sư phạm mầm non nhưng lại giấu bằng vào các khu công nghiệp làm công nhân để hưởng mức lương cao hơn. Làm tại đó, thấp nhất họ cũng đạt từ 7-8 triệu, có nhiều công ty lương cao trên 10 triệu mỗi tháng. Do đó, nhiều người chưa mặn mà với ngành giáo dục mầm non…
Trước những áp lực mà giáo viên mầm non phải đối mặt, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên mầm non cần được hưởng các cơ chế ưu đãi hơn giáo viên các cấp học khác. Bởi họ vừa phải dạy, vừa phải chăm trẻ rất vất vả, áp lực công việc cực cao. Nhiều nơi lớp 25 trẻ mà chỉ có hai cô giáo, đặc biệt với các cháu ở độ tuổi còn quá nhỏ, việc có ít giáo viên đứng lớp là quá tải. Theo đó, có không ít quan điểm cho rằng cần trả lương gấp đôi cho giáo viên mầm non, thậm chí là cho họ nghỉ hưu sớm hơn, hưởng thêm các loại phụ cấp có thể…
Rõ ràng việc không dạy thêm, lương quá thấp, lại không có biên chế…đã khiến từ “đầu vào” hiện nay ít người theo học ngành sư phạm mầm non. Nếu so sánh mức lương 4,5 triệu đồng làm cô nuôi dạy trẻ với mức thu nhập khoảng 7- 8 triệu đồng khi làm công nhân, hẳn người ta sẽ không khỏi chạnh lòng. Mức thu nhập ấy, nếu phải trả đi một khoản tiền thuê nhà, sẽ chẳng còn đáng bao nhiêu. Sao sống nổi qua ngày?
Vừa rồi, tại Lễ khai giảng năm học mới 2020- 2021, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội đã có buổi giao lưu với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ. Tại đây, sinh viên đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc lương giáo viên tới đây sẽ ra sao? Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, hiện Bộ đang thực hiện lộ trình xây dựng chính sách tiền lương mới, đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành giáo dục, với tinh thần đổi mới, công bằng, tạo được động lực, tránh bình quân, cào bằng. Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngoài được hưởng lương theo vị trí việc làm thì phụ cấp theo ngành nghề, ưu đãi đặc thù cũng phải được bảo đảm.
Hi vọng, khoảng cách từ đề án tới thực tiễn sớm được rút ngắn. Người làm nghề sẽ không phải trông ngóng việc điều chỉnh chế độ đãi ngộ hết năm này qua năm khác.