Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tận dụng CMCN 4.0 để khôi phục kinh tế
Việt Nam có cơ hội tận dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao...
Ngày 30/10, tại TP HCM, Bộ Ngoại giao và UBND TP HCM phối hợp tổ chức Hội nghị với chủ đề “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam”.
Phục hồi kinh tế là nhiệm vụ tiên quyết
Chiều 30/10, đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam có cơ hội tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, bằng cách chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) sang tăng trưởng dựa vào tri thức.
Cho đến nay, cả nước đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng. Đó là kết quả rất tích cực khi chuyển đổi số đang bắt đầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã, đang tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, vì mục tiêu an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Từ các tiền đề trên, Phó Thủ tướng mong muốn đội ngũ doanh nhân, trí thức kiều bào tiếp tục đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển đất nước.
Thời gian qua, mở đầu cho xu hướng đó là các mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài như Nhóm Sáng kiến Việt Nam, Nhóm Chuyên gia và Khoa học toàn cầu (AVSE), mạng lưới kiều bào trẻ về nước lập nghiệp, mạng lưới đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các chuyên gia, trí thức người Việt trẻ tuổi.
Các sự xuất hiện này đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ. Điển hình, hiện nay có 4 kiều bào trong tổng số 15 thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là minh chứng thể hiện hiệu quả đóng góp của trí thức kiều bào.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ, "Đảng và Nhà nước tin tưởng với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, trong đó có 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài sẽ biến nguy cơ thành cơ hội và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc”.
Cần thích nghi nhanh với chuyển đổi số
Tại Hội nghị, PGS Chung Trần, giảng viên ĐH Quốc gia Úc (ANU), kiều bào Úc phát biểu qua mạng chia sẻ với Hội nghị về tình hình kinh tế thế giới đang bước vào chu kỳ suy thoái mới khi tăng trưởng âm, sản xuất bị đình trệ, bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng cao.
Chuyên gia này cũng dự báo đà phục hồi kinh tế sẽ khó khăn và lâu hơn khi các căng thẳng thương mại và thay đổi cơ cấu trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất diễn biến khó lường.
GS Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ) chia sẻ, thế giới ngày nay đang có sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hóa thay thế lao động đang mở ra cơ hội tiến nhanh vào công nghệ mới.
Bên cạnh đó, chiến tranh công nghệ gay gắt cùng với làn sóng nhà đầu tư rời Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi cung ứng; dịch Covid-19 xen giữa bối cảnh đó và làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định các biểu hiện trên cũng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam bứt phá nếu biết tận dụng tốt thành quả cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số nền kinh tế và ứng dụng mạnh mẽ CNTT, KH-CN vào đời sống kinh tế - xã hội.
Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, kiều bào Mỹ thì nhìn nhận các dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ có thể ứng phó tốt với tác động của dịch Covid-19.
Trong khi đó, tình hình lãi suất ngày càng giảm buộc các chính sách phải kìm chế lại và nếu giảm thêm nữa, nền kinh tế sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", tức khách hàng sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như vàng, bất động sản, tín dụng đen,... như biểu hiện của thời gian gần đây.
Về vấn đề trên, TS Trần Kim Hồng, kiều bào Úc, Cố vấn cấp cao về Hợp tác cơ sở hạ tầng châu Á tại Việt Nam phân tích thêm, dù chúng ta tự hào đã ngăn chặn được đại dịch Covid-19 thành công, nhưng vẫn nằm trong dư địa ảnh hưởng và tác động của đại dịch chung của thế giới.
Quan sát sự phát triển của TP HCM, TS Hồng cho rằng đây là nơi thu hút lực lượng lao động của các nơi về làm việc và do đó người nghèo có cơ hội tham gia vào nền kinh tế đô thị phi chính thức. Dịch bệnh xảy ra, các đối tượng này đã bị thiệt hại rất lớn và Chính phủ đã phải vào cuộc để cung cấp các gói hỗ trợ để bình ổn kinh tế.
Dù vậy, theo TS Hồng một số bộ phận phi chính thức vẫn chưa được quan tâm cụ thể. TS Hồng cảnh báo, nếu không quan tâm giúp đỡ các bộ phận này thì sẽ không đạt được chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu việc làm và xã hội sẽ mất bình ổn.