Những trận so găng kinh điển
Sự trở lại mạnh mẽ của ông Trump sau khi chiến thắng Covid-19 cho thấy cuộc đua làm chủ Nhà Trắng là hết sức gấp gáp.
Chiều ngày 5/10, Tổng thống Mỹ bất ngờ “bước ra khỏi” Bệnh viện quân đội Walter Reed- nơi ông phải vào điều trị Covid-19, kể từ chiều 2/10. Nhiều người cho đó cũng chỉ là “chiêu trò” của ông Trump vì chí ít thì ông cũng phải điều trị 14 ngày. Tuy nhiên, chỉ ngay hôm sau, đội ngũ của ông Trump cho biết Tổng thống đã chính thức rời bệnh viện trở về Nhà Trắng. Sự trở lại mạnh mẽ của ông Trump cho thấy cuộc đua làm chủ Nhà Trắng là hết sức gấp gáp.
Trước đó, ngày 29/9, đương kim Tổng thống Donald Trump đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp thứ nhất trên truyền hình với ông Joe Biden. Và tiếp theo, nếu nó được diễn ra theo đúng kế hoạch thì vào ngày 15/10 và 22/10, hai “đấu sĩ” sẽ còn tái đấu trên truyền hình, để thu hút cử tri ở thời điểm quyết định: ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11/2020.
Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, ngày 29/9, giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và Thượng nghị sĩ Joe Biden đã nhận được sự quan tâm rộng rãi.
Theo kết quả thăm dò của CNN sau cuộc tranh luận này, 60% người theo dõi sự kiện cho rằng ông Biden đã làm tốt hơn ông Trump. 28% khác cho rằng ông Trump đã làm tốt hơn ông Biden. Trước đó, khi cuộc tranh luận sắp diễn ra, vẫn theo CNN, 56% người được hỏi cho rằng ông Biden sẽ làm tốt hơn ông Trump. Tỷ lệ này đối với ông Trump là 43%.
Tuy nhiên, sau khi cuộc tranh luận kết thúc, 57% cho biết sự kiện này không ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn Tổng thống của họ vào ngày 3/11 tới.
Còn thăm dò dư luận của CBS News thực hiện ngay sau buổi tranh luận, kết quả 48% số người cho rằng ứng cử viên của đảng Dân chủ (ông Biden) đã giành chiến thắng, trong khi tỷ lệ này đối với ứng cử viên của đảng Cộng hòa (ông Trump) là 41%. Có 10% người được hỏi chưa đưa ra quyết định.
Cũng cần nhắc lại, kết quả thăm dò này gần giống với kết quả thăm dò sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống năm 2016. Vào thời điểm đó, 62% cho rằng bà Hillary Clinton giành chiến thắng, trong khi chỉ có 27% ủng hộ ông Trump.
1. Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình Trump - Biden, ngày 29/9, bao gồm nhiều vấn đề, trong đó có việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao, đại dịch Covid-19, kinh tế nước Mỹ, biến đổi khí hậu, chủng tộc và bạo lực, tính liêm chính của cuộc bầu cử. Nhưng trong thực tế, vấn đề thuế của ông Trump và con trai ông Biden đã làm bầu không khí nóng rẫy.
Theo dõi cuộc tranh luận, tờ The Times ở Anh đưa ra nhận xét: “Người thua cuộc rõ ràng nhất từ cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên giữa Donald Trump và Joe Biden là nước Mỹ”. Theo bình luận của The Times, đây “không phải là một cuộc tranh luận theo bất kỳ nghĩa nào” mà là “một cuộc tranh cãi ác ý và đôi khi không thể hiểu nổi giữa hai ông già tức giận và tỏ ra không ưa nhau”.
Tờ The Guardian mô tả, “người ta nhìn vào cuộc tranh luận này mà khóc ròng. Tờ Financial Times nhấn mạnh cách ông Trump cáo buộc hành vi gian lận trong bỏ phiếu là “thái độ bất thường”. “Hỗn loạn, trẻ con, mệt mỏi” - đó là cách mà tờ báo Pháp Libération mô tả cuộc tranh luận. Còn tờ Le Monde (cũng của Pháp) gọi đây là một “cơn bão khủng khiếp”, và nói rằng ông Trump đã tìm cách “làm đối phương mất tự chủ” với những lần ngắt lời liên tục và chế nhạo câu trả lời của ông Biden.
Một tờ báo khác cũng của Pháp, tờ Le Figaro nói ông Biden đã “từ chối chơi trò chơi của đối thủ một cách có hệ thống” để cuối cùng buộc ông Trump phải lui về thế phòng hủ.
Cũng thật hình ảnh khi tờ báo nổi tiếng nước Đức, tờ Der Spiegel chạy dòng tít lớn: “Cuộc đấu tay đôi trên truyền hình giống một tai nạn xe hơi”. Tương tự, tờ Suddeutsche Zeitung bình luận: “Cả Trump và Biden đều có thể về nhà, cảm thấy hài lòng, vì xét về màn trình diễn sân khấu, cả hai đều đã làm đúng công việc của mình”, trong khi cả hai đều ít tiết lộ về chính sách đối nội cũng như đối ngoại của nước Mỹ nếu mình là Tổng thống.
Tờ La Republica (Italy) nhận xét: “Chưa bao giờ nền chính trị Mỹ lại xuống cấp như vậy”, “hỗn loạn, ồn ào và dựa trên sự khinh thường lẫn nhau”. Còn một đài truyền hình Nga mô tả đây là một “cuộc trao đổi những lời lăng mạ kéo dài hơn 100 phút “; trong khi một đài khác nói rằng “không có cuộc đối thoại mang tính xây dựng nào”.
Trở lại với cuộc tranh luận lần thứ nhất của ông Trump và ông Biden, họ thực sự đã đối đầu một cách quyết liệt. Trận “so găng” này khách quan cho thấy chặng nước rút trong cuộc đua ở lại Nhà Trắng một nhiệm kỳ nữa (với ông Trump) hay là làm ông chủ Nhà Trắng (với ông Biden) sẽ có nhiều bất ngờ và kịch tính cho đến phút chót.
Với một ví dụ về Covid-19, thì sự khác biệt trong lập trường của hai ứng viên là rất rõ ràng. Ông Biden đã xoáy sâu vào số nhiễm và ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới của Mỹ, nói rằng: “Tổng thống không có kế hoạch. Ông ấy không vạch ra bất cứ điều gì”. Ông Biden cũng không quên cũng cảnh báo rằng số người chết trong đại dịch của Mỹ có thể tăng gấp đôi vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông Trump khẳng định Nhà Trắng đã xử lý tốt đại dịch và cho rằng ông Biden “không thể làm được công việc mà chúng tôi đã làm”.
Tranh luận đã “ngả theo hướng riêng tư” khi ông Trump “đánh” vào Hunter- người con trai vướng nhiều bê bối của ông Biden. Ông Biden phải cố gắng đổi đề tài bằng cách nhìn vào camera và nói: Bầu cử “không phải là về gia đình tôi hay gia đình ông ấy, đây là về gia đình của các bạn - người dân Mỹ”. Tuy nhiên, ông Trump đã cố gắng nhấn mạnh rằng Hunter từng nghiện ma túy. Ông Biden đáp trả: “Con trai tôi từng nghiện ma túy, nhưng nó đã vượt qua và tôi tự hào về nó”.
Người điều hành cuộc tranh luận, ông Chris Wallace, đã nhiều lần phải “giơ tay hàng” trước cả hai đối thủ. “Tôi đã phải cố gắng hết sức để không biến cuộc tranh luận thành một cuộc cãi vã, nhưng không phải lúc nào cũng làm được”- Wallace nói ngay sau khi bước ra khỏi phòng quay truyền hình Đài Fox News với nụ cười khó hiểu.
Còn nói như ký giả Jake Tapper của CNN thì “đánh giá người chiến thắng có thể là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng tìm ra kẻ thua cuộc thật dễ dàng, đó là cử tri Mỹ”.
2. Từ cuộc tranh luận ngày 29/9 giữa hai ông Trump - Biden, truyền thông Mỹ đã nhìn lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong 60 năm tranh luận trên truyền hình bầu cử Tổng thống Mỹ, kể từ năm 1960.
Đầu tiên, đó là cuộc tranh luận diễn ra giữa ứng viên đảng Dân chủ John F. Kennedy và ứng viên đảng Cộng hòa Richard Nixon. 70 triệu người xem khi đó tập trung vào thứ họ nhìn thấy hơn là điều họ nghe. Ông Kennedy là người thắng cử.
Cho tới năm 1976, cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình thứ hai giữa hai ứng viên, sau 16 năm gián đoạn. Ứng viên Dân chủ Jimmy Carter đối mặt Tổng thống đương nhiệm đảng Cộng hòa khi đó là Gerald Ford - kế nhiệm không qua bầu cử sau khi người tiền nhiệm Richard Nixon từ chức vì bê bối Watergate. Carter thắng cử sau đó.
Năm 1980, Carter tranh luận với đối thủ đảng Cộng hòa Ronald Reagan. Kết cục, Reagan chiến thắng cuộc đua và Nhà Trắng.
Tới năm 1984, ông Reagan, khi đó 73 tuổi, tranh luận với ứng viên Dân chủ Walter Mondale, 56 tuổi. Và rồi ông Reagan đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Năm 1988, cuộc tranh luận diễn ra với ứng viên đảng Cộng hòa - Phó Tổng thống George H.W. Bush và đối thủ đảng Dân chủ Michael Dukakis. Cuối cùng, ông Bush là người chiến thắng.
Cuộc tranh luận diễn ra vào năm 1992 được cho là “độc nhất vô nhị” khi có tới 3 ứng viên: Bush, Bill Clinton của đảng Dân chủ và ứng viên độc lập Ross Perot cùng tham gia tranh luận. Ông Clinton sau đó trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Năm 1996, ông Clinton lại “đăng dàn” tranh luận với ứng viên đảng Cộng hòa Bob Dole. Cuối cùng ông Clinton tái đắc cử.
Tới năm 2000, cuộc tranh luận diễn ra giữa đại diện đảng Cộng hòa George W. Bush với ứng viên đảng Dân chủ Al Gore. Cuối cùng ông Bush thắng cử.
Năm 2004, đương kim Tổng thống Bush tranh luận với ứng viên đảng Dân chủ John Kerry và ông Bush đã tái đắc cử.
Năm 2008, ông Obama tranh luận với ông John McCain. Sau cùng, ông Obama Biden thắng cử (còn ông Biden trở thành Phó cho ông Obama).
Năm 2012, cho dù được coi là thất thế trước đối thủ đảng Cộng hòa Mittt Romney, nhưng cuối cùng ông Obama vẫn tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Năm 2016, với 80 triệu lượt người trực tiếp theo dõi qua màn hình cuộc đối đầu Hillary Clinton - Donald Trump, phần thắng “chắc chắn” thuộc về bà Clinton. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông Trump đã chiến thắng và nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2017.
3. Cả 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước khi tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump diễn ra vào năm 2016 được coi là những cuộc đối đầu “đáng nhớ nhất”, tính cho tới thời điểm này.
Giới quan sát cho rằng đó là những trận “quyết đấu” giữa một người phụ nữ dày dạn trận mạc chính trường, một con người được tôi luyện trong “truyền thống hoạt động chính trị” với một vị tỉ phú chưa từng tham gia một chức vụ chính quyền nào đáng kể. Nó được coi là một kết cục “đã được báo trước” và người ta chỉ còn chờ đợi nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ xuất hiện.
Nhưng, cuối cùng, mọi sự đã đảo ngược.
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump, ngày 27/9/2016, tại Trường Đại học Hofstra, Hempstead, New York; gồm 3 nội dung chính: Hướng đi tương lai của nước Mỹ; Làm thế nào đạt thịnh vượng; Đảm bảo An ninh cho nước Mỹ.
Dẫn dắt cuộc tranh luận là người dẫn chương trình tin tức Nightly News của đài NBC, ông Lester Holt.
Giới truyền thông và chính trị Mỹ rất hào hứng với cuộc “đấu khẩu” này, vì ông Trump vốn nổi tiếng là một “doanh nhân bạo miệng”. Và trên thực tế, ông Trump đã không e ngại bất cứ điều gì, kể cả việc tuyên bố sẽ bắt giam bà Clinton nếu ông trở thành Tổng thống của nước Mỹ.
Cuộc tranh luận đã xô đổ mọi kỷ lục người xem truyền hình trước đó của nước Mỹ, với khoảng 84 triệu người ngồi trước màn hình, ngang ngửa với trận chung kết giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ Super Bowl, sự kiện hàng năm bao giờ cũng “nóng” nhất trên truyền hình Mỹ.
Theo số liệu của Nielsen, công ty chuyên cung cấp dịch vụ đếm tỉ suất người xem, cuộc đối đầu đầu tiên giữa ông Trump và bà Clinton đã thu hút tổng cộng 84 triệu người xem trên 13 kênh truyền hình có phát sóng trực tiếp sự kiện này, phá vỡ kỉ lục cũ 80,6 triệu lượt xem được thiết lập năm 1980 giữa Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter và đối thủ đảng Cộng hòa Ronald Reagan.
Đáng chú ý, “một vài vấn đề” thuộc về ông Trump (năm 2016) cũng đã tái lặp lại sau 4 năm (năm 2020), có nghĩa là nó đã tồn tại ở hai lần tranh luận khác nhau trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đó là hồ sơ thuế của ông Trump và vấn đề người da màu tại Mỹ.
Tại cuộc tranh luận lần thứ hai giữa bà Clinton với ông Trump, số người Mỹ theo dõi qua truyền hình trực tiếp không giảm so với lần đầu. Cuộc tranh luận mặt đối mặt thứ hai này được cho là “trận chiến cuối cùng” của ông Trump khi ông đang trong tình cảnh khó khăn vì mất hình ảnh trong mắt cử tri sau những phát ngôn gây sốc.
Cuộc tranh luận kéo dài trong 90 phút, bắt đầu lúc 21h tối ngày 9/10/2016, tại ĐH Washington ở thành phố St Louis (bang Missouri). Cuộc tranh luận được dẫn dắt bởi hai điều phối viên là Anderson Cooper của đài CNN và Martha Raddatz của đài ABC. Mỗi ứng viên sẽ có 2 phút để trả lời câu hỏi dành cho mình, sau đó điều phối viên sẽ có thêm 1 phút để dẫn dắt cuộc tranh luận từ câu trả lời của họ.
Lần này, cả hai ứng viên đều có vẻ rất nghiêm túc, không nở nụ cười như trong lần tranh luận đầu tiên. Ông Trump mở đầu bình tĩnh, nói chậm rãi từ tốn và nhắc lại thông điệp chủ đạo “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Người ta lấy làm ngạc nhiên vì sao ông Trump lại bình tĩnh đến thế trước những cáo buộc của bà Clinton. Tuy nhiên, sau nửa giờ tranh luận, ông Trump bắt đầu chen ngang lời bà Clinton, đồng thời nhắc lại “bà sẽ phải ngồi tù”. Còn bà Clinton thì bình tĩnh đáp trả: “Rõ ràng chúng ta đã rất may vì một người với tính khí như Trump không nắm quyền về luật pháp ở đất nước này”. Không một chút chần chừ, ông Trump phản pháo: “Vì nếu thế thì bà đã phải vào tù rồi!”
Truyền thông Mỹ nhận xét, cả hai ứng viên như hai đấu sĩ quyền Anh hạng nặng tìm cách dồn ép đối thủ vào góc đài.
Vào cuối cuộc tranh luận, bất ngờ một người theo dõi truyền hình trực tiếp đặt câu hỏi: “Các vị có thể nêu một điểm mà mình tôn trọng ở đối thủ?”. Câu hỏi đã khiến bà Clinton lẫn ông Trump bật cười. Và rồi bà Clinton đã trả lời rất thông minh, gắn với những giá trị của gia đình: “Tôi tôn trọng những người con của ông Trump, họ rất tài giỏi và hết lòng. Điều đó nói lên nhiều điều về ông Trump, và đối với một người làm mẹ và bà (ngoại) như tôi, đó là một phẩm chất quan trọng”.
Sau câu trả lời của đối thủ, ông Trump tiếp lời: “Tôi rất tự hào về các con của tôi. Chúng là những đứa trẻ tuyệt vời. Tôi tôn trọng bà Clinton ở chỗ bà không bao giờ bỏ cuộc. Bà ấy là một chiến binh. Tôi cho rằng đó là một phẩm chất rất tốt”.
Cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba và cuối cùng giữa hai ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa diễn ra vào ngày 19/10/2016 ở bang Nevada, tức là chưa đầy 3 tuần trước ngày bầu cử chính thức 8/11. Tại cuộc đối đầu lần này bà Clinton vẫn nhận được “nhiều sự hài lòng”. Tuy nhiên, kết cục, ông Trump đã chiến thắng và trở thành Tổng thống Mỹ trong một ngày bỏ phiếu kịch tính và đầy ngoạn mục.
4. Trong tất cả những cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ, thì vai trò người dẫn dắt chương trình là rất quan trọng. Họ đều là những nhà báo, người hoạt động truyền thông tầm cỡ và đương nhiên là rất am hiểu chính trường nước Mỹ ở mức “đáng nể”.
Người dẫn dắt các cuộc tranh luận Tổng thống đều do Ủy ban Tổ chức tranh luận Tổng thống (CPD) lựa chọn. CPD là tổ chức độc lập, không bị kiểm soát bởi bất cứ đảng phái chính trị hay tổ chức bên ngoài nào. CPD không ủng hộ, hỗ trợ hay phản đối đảng phái hoặc ứng cử viên. Tổ chức này cũng không nhận ngân sách tài trợ từ chính phủ hay đảng phái, ủy ban hành động chính trị cũng như ứng cử viên. Kể từ năm 1988 đến nay, CPD đã bảo trợ các cuộc tranh luận trực tiếp ở mọi cuộc bầu cử Tổng thống của nước Mỹ.
CPD có 3 tiêu chí điều kiện để lựa chọn những điều phối viên này. Thứ nhất, họ phải am hiểu về các ứng cử viên và những vấn đề lớn của chiến dịch tranh cử Tổng thống. Thứ hai, họ phải có kinh nghiệm tổng quát trong lĩnh vực phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Và thứ ba, họ phải hiểu rõ rằng cuộc tranh luận nên tập trung tối đa thời gian cũng như sự quan tâm, chú ý vào các ứng cử viên và những quan điểm của họ.
Chính vì thế, trong cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên ở Mỹ ngày 29/9 vừa qua, khán giả không chỉ quan sát các nhân vật chính là ông Donald Trump và ông Joe Biden, mà còn rất chú ý đến người dẫn chương trình Chris Wallace.
Chris Wallace là con trai của MC, nhà báo Mike Wallace trong chương trình “60 Minutes huyền thoại” - là người đã dẫn dắt phiên tranh luận cuối cùng giữa ông Trump và bà Hillary Clinton 4 năm trước. Với sự công bằng, khéo léo và đầy mẫn cảm, ở lần đó, ông được giới chức của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khen ngợi.
Nhà báo Wallace (con) gia nhập kênh Fox News năm 2003, sau khi rời Đài ABC News. Trước đó, ông đã làm việc cho NBC News, chuyên đưa tin về các chiến dịch tranh cử 1980, 1984 và 1988. Ông cũng là người điều phối chương trình Meet the Press từ 1987-1988.
Như vậy, cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden đã diễn ra (ngày 29/9/2020) do ông Wallace dẫn dắt. Còn cuộc tranh luận lần thứ hai (nếu có thể diễn ra vào ngày 15/10) tại Miami, Florida sẽ do nhà báo Steve Scully - nhà sản xuất cấp cao kiêm biên tập viên chính trị của mạng truyền hình C-SPAN - điều phối. Ông Scully là điều phối viên dự khuyết trong mọi cuộc tranh luận Tổng thống năm 2016. Còn lần tranh luận thứ ba (nếu có) dự kiến diễn ra vào ngày 22/10 tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennessee sẽ do nhà báo Kristen Welker - người phụ trách đưa tin về Nhà Trắng và cũng là người dẫn chương trình tại Đài NBC News - dẫn dắt.
Trong bài báo có tựa đề “Làm điều phối một cuộc tranh luận Tổng thống như thế nào?” đăng trên trang web Slate, nhà báo Leon Krauze - người giữ mục cho Slate và cũng là đồng dẫn chương trình cho kênh Postcast Trumpcast của Tổng thống Donald Trump - đã mô tả công việc này chỉ bằng một từ “đáng sợ”. Leon Krauze cho biết mình đã bỏ cà phê trong 3 tháng mà vẫn gần như không thể ngủ vì lo lắng trước sức ép của công việc, tuy rằng ông là người rất dày dạn kinh nghiệm “chinh chiến” trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên, nhà báo này cũng chia sẻ đó là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Với riêng ông, đó còn là khoảnh khắc định hình sự nghiệp, bởi nó giúp ông xác định rõ mình muốn trở thành nhà báo như thế nào.
Theo Ủy ban Tổ chức tranh luận Tổng thống Mỹ (CPD), có thể sẽ có một chút thay đổi hình thức tranh luận sau buổi tranh luận Trump - Biden lần thứ nhất. “Cuộc tranh luận đêm 29/9 cho thấy cần thêm một số cấu trúc vào hình thức của các cuộc tranh luận còn lại nhằm đảm bảo việc thảo luận trật tự các vấn đề” - CNN dẫn tuyên bố của CPD, nhưng không nói rõ sẽ thay đổi những gì.