Hướng về miền Trung thương yêu
Những ngôi nhà chìm sâu trong biển nước, những cây cầu bị cuốn đi trong cơn lũ dữ, và những giọt nước mắt khi mất người thân… Miền Trung vốn đã nhiều gian khó nay chồng chất khó khăn vì lũ dữ. Hơn bao giờ hết, miền Trung cần những tấm lòng tương thân, tương ái. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, khắp nơi trên cả nước hướng về miền Trung ruột thịt. Cả những địa phương khó khăn, những con người còn nghèo khó, cũng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Tinh thần đoàn kết bừng dậy trong ý nghĩa đồng bào.
Lá rách ít đùm lá rách nhiều…
Nếu miền Trung khắc nghiệt bởi nắng, bởi gió, bởi cát và những cơn bão lớn, thì mảnh đất địa đầu Hà Giang, đá “lấn” không gian của con người. Điệp trùng núi đá, cây cối khô cằn, người dân phải gùi từng gùi đất lên các hốc đá. Cây ngô, cây cải cao nguyên đá cũng lớn lên trong gian khó. Hà Giang nghèo về vật chất. Nhưng chưa bao giờ nghèo về tình người.
Cùng là những vùng đất khó khăn, nên đồng bào Hà Giang đồng cảm với miền Trung ruột thịt. Khó khăn, có cách giúp đỡ nhau của khó khăn. Ngoài đóng góp tiền, hiện vật, người Hà Giang có cách đặc biệt để sẻ chia với đồng bào hoạn nạn.
Từ tận huyện biên cương Vị Xuyên, bà con các dân tộc Hà Giang gói những chiếc bánh chưng gù, đặc sản nổi tiếng của quê hương mình để gửi vào miền Trung. Ở xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, ngày gói bánh chưng mọi người quây quần bên nhau như khi bản làng chuẩn bị cho ngày hội.
Người dân và cán bộ xã, cán bộ thôn bản mỗi người một việc vo gạo, rửa lá, gói bánh, bắc bếp… Những chiếc bánh chưng gói cả nghĩa tình. Chỉ riêng hai huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, bà con đã gói 30.000 chiếc bánh.
Cùng với thành phố và các huyện khác, người dân Hà Giang gửi tới miền Trung 60 nghìn chiếc bánh chưng, chưa kể nhiều hàng hoá, tiền mặt. Bánh chưng có thể bảo quản lâu ngày, vào đến các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam… vẫn bảo đảm hương vị. Đồng bào phấn khởi vì có thứ “lương khô” đặc biệt, thay vì chủ yếu nhận được mì tôm như dạo nào.
Cũng là những tỉnh có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế còn nghèo như Hà Giang, nhưng ngay sau khi có lời kêu gọi, bà con các dân tộc ở Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên… đã ùn ùn kéo đến ủng hộ, sẻ chia.
Trong ngày đầu tiên đến trường của tuần vừa qua, ngay sau lễ chào cờ, học sinh hàng loạt trường học trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tham gia ủng hộ. Các em là con em các dân tộc Thái, Dao, Mông…
Nhiều gia đình vẫn còn khó khăn lắm. Nhiều em lên ủng hộ trong chiếc áo bạc màu, sờn cổ. Những khoản tiền không lớn, nhưng quý báu bởi đó là tình cảm, là sự chắt chiu, tiết kiệm của các em từ tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt… Có những em phải để dành tiền mừng tuổi từ Tết đến giờ…
Năm 2020, đất nước trải qua nhiều thử thách. Đại dịch Covid-19 hai lần tấn công. Nhiều người dân lao động điêu đứng, nhất là hộ nghèo. Đại dịch Covid-19 mới tạm được đẩy lui, thì mưa bão lại ập đến.
Trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” do UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện, khắp mọi miền đất nước, tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau được dấy lên.
Trong đó, thật xúc động khi ngay cả những địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngay cả những người nghèo cũng tham gia nhường cơm, sẻ áo. Truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt đang được viết tiếp những chương mới…
Cùng nhau vượt qua hoạn nạn
Miền Trung vừa hứng chịu thêm cơn bão số 9, lần này, có thêm một số tỉnh vùng Tây Nguyên. Lại có thêm những mất mát, đau thương. Nhưng từ khắp mọi miền đất nước, triệu triệu tấm lòng hướng về đồng bào đang gặp khó khăn do bão lũ.
Đến thời điểm này, khó có thể tính hết số tiền, hiện vật mà nhân dân cả nước gửi về ủng hộ, giúp đỡ. Bởi ngoài cơ quan chủ lực là UBTƯ MTTQ Việt Nam, MTTQ các tỉnh thành, còn có nhiều tổ chức, cá nhân tình nguyện tổ chức các chuyến hàng cứu trợ vào tận những vùng xảy ra bão lũ để hỗ trợ mọi người.
Tính từ 13/10 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tiếp nhận hơn 47 tỷ đồng tiền hỗ trợ ủng hộ miền Trung của các tập thể, cá nhân, chính quyền, nhân dân các quận huyện. Việc làm này thể hiện tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của bà con nhân dân Thủ đô với khúc ruột miền Trung ruột thịt đang gồng mình chống lũ.
Tỉnh Bắc Giang cũng là một trong những địa phương gương mẫu đi đầu trong công tác vận động nhân dân ủng hộ đồng bào miền Trung. Các cấp Mặt trận đã vận động, quyên góp được nhiều vật phẩm trị giá hàng chục tỷ đồng như: Gạo, bánh chưng, mỳ tôm, nước uống, quần áo…
MTTQ tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận trên 4,3 tỷ đồng tiền mặt do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chuyển 4 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.
Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức vận động đạt kết quả cao như: Thành phố Bắc Giang trên 1 tỷ đồng, huyện Việt Yên 800 triệu đồng, huyện Lục Nam 500 triệu đồng, huyện Hiệp Hòa 200 triệu đồng, Công ty cổ phần May Bắc Giang 100 triệu đồng, Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh 100 triệu đồng…
Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tiếp tục vận động các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Giang ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả sau thiên tai, lũ lụt đến hết ngày 31-10.
Các đoàn thể nhân dân cũng tích cực tổ chức hoạt động gây quỹ như Thành đoàn Bắc Giang phối hợp Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Câu lạc bộ Ngôi sao xanh tổ chức chương trình nghệ thuật “Thương về miền Trung”; các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh vận động được gần 3,3 tỷ đồng, trong đó gần 1,8 tỷ đồng tiền mặt, gần 50 tấn gạo, 6,8 nghìn thùng mỳ ăn liền, hơn 6 nghìn bánh chưng, khoảng 24 nghìn bộ quần áo, hơn 6,6 nghìn bộ sách vở cùng 12 nghìn bánh lương khô, nhu yếu phẩm khác.
Ngoài ra, 16 cơ sở hội phụ nữ đã tổ chức đoàn đến 15 xã thuộc 8 huyện của 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; 10 cơ sở ký gửi Hội Lái xe Bắc Giang đi miền Trung tặng các nhu yếu phẩm cho đồng bào vùng lũ.
Tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn một lần nữa lại được viết tiếp bằng những hành động, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào cả nước. Những hành động, việc làm đó sẽ là hành trang, là động lực để bà con vượt qua hoạn nạn, vươn lên sớm ổn định cuộc sống.