Sống trong những ngôi nhà chờ sập
Hà Nội hiện có gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, tất cả đều đã xuống cấp, trong đó có đến 25% số chung cư thuộc diện nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, xây dựng lại mới chỉ đạt khoảng... 1%. Điều này có nghĩa sẽ xảy ra rất nhiều nguy hiểm cho người dân khi sống trong những ngôi nhà chờ sập này, nhất là vào mùa mưa bão.
Vá víu để ở
Chúng tôi đến khu tập thể trên đường Lê Hồng Phong (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) vào những ngày cơn bão số 9 đã tan.
Đó là khu nhà được xây dựng cách đây đã gần 50 năm. Vì khu tập thể có tuổi đời tương đối dài như vậy nên hiện nay nó đang xuống cấp trầm trọng. Hầu hết phần mái ngói của khu tập thể này đã bị sụp, trần thì làm bằng tre nên đã mục ruỗng, tường thì bong tróc và rụng từng mảng vữa bất kỳ lúc nào.
Gia đình ông Hòa có 3 thế hệ cùng sinh sống trong căn nhà rộng khoảng hơn 40m2 ở khu tập thể này. Căn hộ của ông phải “vá víu”, tạm bợ bằng đủ các loại tôn, cót, nilong.
Vợ ông Hòa bệnh nặng, nằm liệt giường nhiều năm nay, mỗi khi trời mưa, nước dột thấm khắp nhà, vô cùng khổ sở. “Mưa thì phải chạy, chuyển từ đầu giường sang đuôi giường”, ông Hoà chua chát nói.
Không chỉ phải sống tạm bợ, hàng trăm hộ dân ở đây hàng ngày cũng phải đối mặt với nỗi lo, sợ hãi tòa nhà có thể đổ sập bất cứ khi nào.
“Khoảng gần chục năm trở lại đây, mái tập thể xuống cấp, tôi phải tự lợp một phần tôn cho cả gian tầng 1 và mái gian 2 để gia cố nhà và hạn chế dột. Cuộc sống của chúng tôi ở đây đảo lộn quá nhiều, phần lớn là người già sức khoẻ yếu, mỗi khi trời mưa gây cảnh ẩm ướt ngập lụt nảy sinh nhiều bệnh tật”, ông Dương Quý Vị sống ở tầng 3 của khu tập thể nói.
Theo người dân nơi đây, thời gian trước có một doanh nghiệp đến đo đạc, đưa ra mức hỗ trợ, đền bù để cải tạo, xây dựng lại thành một tòa nhà mới. Khoảng 80% người dân đồng ý với mức hỗ trợ đền bù nhưng khoảng hơn 10 hộ dân lại đòi quyền lợi nhiều hơn.
Vì thế, phía doanh nghiệp chưa thể giải quyết, phương án đền bù nên cho đến nay vẫn bỏ ngỏ, thế là người dân cứ nơm nớp sống với những nỗi bất an.
Cũng là khu tập thể cũ rích, già nua với khoảng 50 hộ dân đang sinh sống, khu nhà A7, tập thể Tân Mai (phố Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) đang ngày ngày đối mặt với nguy cơ mất an toàn do tình trạng dãy nhà xuống cấp trầm trọng và bị nghiêng.
Khu tập thể A7, Tân Mai được xây dựng từ năm 1984 theo công nghệ lắp ghép với quy mô 5 tầng gồm 50 căn hộ nhưng chỉ có duy nhất một cầu thang.
Qua thời gian sử dụng, tòa nhà đã xuất hiện nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, trong đó đáng kể nhất là vết nứt lớn khiến toàn bộ cầu thang và chiếu nghỉ tách hoàn toàn khỏi khối nhà. Vách cầu thang và tường, những vết nứt lớn tạo nên kẽ hở nhìn xuyên xuống tầng dưới.
Năm 2010, khi khu vực cầu thang bộ nối từ tầng 1 lên tầng 5 có dấu hiệu tách rời nhau, gây nguy hiểm đến toàn bộ kết cấu khu tập thể, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý tòa nhà đã cho lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời.
Ông Nguyễn Quang Gắng, Tổ trưởng Tổ dân phố 20, phường Tân Mai cho hay, qua thời gian dài, hệ thống giàn giáo thép xuất hiện nhiều chỗ hoen gỉ tại những mối hàn, cong vênh.
Thậm chí, năm 2016 một đơn vị có đến kiểm định mức độ nguy hiểm của khu tập thể và xác nhận dãy nhà này bị nghiêng 14 độ. Trước thực trạng này, một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho cư dân nhà tập thể A7 một chiếc loa công suất lớn và một chiếc loa cầm tay để sử dụng.
Những chiếc loa có nhiệm vụ thông báo kịp thời đến người dân trong trường hợp khẩn cấp khi có mưa bão. Như vậy, người dân ở khu tập thể này vẫn phải sống cùng với những mối hiểm nguy rình rập bất kể khi nào.
Khu nhà G6A tập thể Thành Công nằm trên mặt đường Nguyên Hồng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khu tập thể này được đưa vào sử dụng từ năm 1987, hiện xuống cấp trầm trọng, mức độ nguy hiểm báo động ở cấp độ D.
Chị Trang ở khu nhà này nói: “ Hơn 1 năm nay, người dân chúng tôi luôn sống trong lo sợ, bởi nhà ở giờ không được đảm bảo an toàn, đặc biệt là khi gió mưa về”. “Không biết rồi đây tình trạng này sẽ được xử lý thế nào?. Liệu người dân có được đảm bảo an toàn sớm nhất hay không, bởi hàng trăm hộ dân đang sống ở đây cần được giải quyết khỏi sự nguy hiểm rình rập này”, chị này nói.
Lời giải nào?
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ, trong số này có tới 25% thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm. Tuy nhiên, 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa mới chưa đầy 3%.
Các doanh nghiệp lần lượt “đến rồi đi” bởi những vướng mắc về cơ chế và thủ tục bồi thường. Trong khi đó việc cải tạo, sửa chữa trên địa bàn Hà Nội chưa đến 1%.
Về công tác nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ trên địa bàn, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát, tổng hợp báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.
Đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn thành phố giao (trong đó có khu chung cư cũ Giảng Võ), giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện.
Dù Hà Nội nói sẽ kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng thực hiện việc này không dễ bởi, thực trạng này tồn tại từ rất lâu rồi, muốn gỡ những khúc mắc liên quan đến cải tạo chung cư cũ, theo các chuyên gia phải thực hiện đồng nhiều giải pháp.
Vướng mắc nhất là dân không đồng thuận để cải tạo lại chung cư cũ, nếu chung cư vẫn thuộc sở hữu cá nhân thỉ rất khó tìm tiếng nói chung.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, ở một số nước trên thế giới, đối với nhà chung cư họ chỉ cho sở hữu có thời hạn, phù hợp với thời hạn sử dụng của cấp nhà đó. Khi đã hết thời hạn sử dụng thì cũng hết tuổi thọ của nhà.
Lúc ấy, nhà không còn thuộc sở hữu của người dân nữa, việc lấy lại nhà để xây lại dễ hơn là việc bán vĩnh viễn cho người dân.
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, để xử lý nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, giá thu hồi đất nhà chung cư có thể bằng với giá đất đền bù chi phí tái định cư cho nhiều người, thậm chí giá đất đền bù phải cao hơn.
Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp nên Nhà nước cần ưu tiên các biện pháp hỗ trợ (thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư, thủ tục...).
Ông Hùng nhấn mạnh rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch, việc quy hoạch lại các khu chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước bởi người dân chỉ được cấp sổ đỏ cho phần diện tích nhà ở sở hữu, trong khi khoảng không từ nóc trở lên, hay mặt đất và xung quanh khu nhà… là thuộc trách nhiệm của Nhà nước quản lý.
Hơn nữa, để cải tạo nhà chung cư, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải có quyết định về khoản ngân sách dành cho vấn đề cải tạo bởi đây là đầu tư xã hội. Nhà nước muốn có khu chung cư mới thì Nhà nước, chính quyền, Hội đồng nhân dân phải có nguồn kinh phí, có quỹ đất phục vụ cho việc tái định cư, chứ không phải là tạm cư.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải có cơ chế chính sách cụ thể kêu gọi các nhà đầu tư bởi một mình Nhà nước cũng không đủ nguồn lực làm tất cả. Đồng thời, cơ chế chính sách phải đảm bảo cho nhà đầu tư có lãi thì họ mới tham gia.
Ngoài ra, cần phải tuyên truyền cho người dân sống trong các khu chung cư cũ hiểu rõ quyền và trách nhiệm cá nhân. Người dân phải có trách nhiệm cùng đóng góp một phần kinh phí để cải tạo trên cơ sở Nhà nước cho trả dần với lãi suất ưu đãi như chính sách nhà xã hội khác.
Không thể để dân sống trong nguy hiểm, mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo “phải thực hiện dứt điểm di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm” trên địa bàn. UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Đồng thời, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện.