Về nguồn
Trong tiếng đàn tính, điệu Then thiết tha ngọt ngào, núi rừng Việt Bắc hiện ra hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi hiền hoà. Chuyến về nguồn lần này, có lẽ nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi cách làm du lịch đầy thú vị của đồng bào Tày miền sơn cước, để người ta thêm lưu luyến vùng đất cách mạng, nơi có cây đa Tân Trào lịch sử…
Trong cái nắng hanh cuối thu, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) hiện ra trước mắt chúng tôi thật yên ả với nhịp sống chậm rãi của đồng bào người Tày, người Dao, Sán Dìu...
Vậy mà 75 năm trước, nơi đây từng là “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến” khi được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ cách mạng để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Và có lẽ tinh thần cách mạng quật khởi ấy cũng chính là động lực để mỗi người dân Tân Trào đồng lòng xây dựng quê hương. Từ năm 2014, Tân Trào đã cán đích xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang và xã đang hướng xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Với hành trình về nguồn, du khách tìm về vùng đất cách mạng Tân Trào ôn lại lịch sử, để thấy trân quý hơn giá trị của hoà bình.Khám phá và trải nghiệm Tân Trào, du khách sẽ được các nhóm hướng dẫn tour du lịch nội bộ.
Các nhóm này là các hộ gia đình của xã Tân Trào đã được các chuyên gia của Tổ chức phi lợi nhuận NPO - AVENUEN, Nhật Bản đào tạo làm du lịch cộng đồng. Sau khi đi tham quan các di tích lịch sử như: Đình Tân Trào, đình Hồng Thái, nán Nà Nưa, cây đa lịch sử..., từ trụ sở UBND xã Tân Trào, di chuyển hơn 1 km là đến làng nghề chè Vĩnh Tân, thuộc thôn Vĩnh Tân.
Rong ruổi trên cung đường bê tông uốn lượn dưới chân đồi, những hàng chè xanh ngát trải dài tít tắp, du khách sẽ lạc vào miền xanh bất tận. Đây là thôn đầu tiên của tỉnh được công nhận làng nghề. Đứng trên đỉnh đồi cao, phóng tầm mắt nhìn xuống, những đồi chè lúp xúp tròn như báp úp.
Dưới nắng, những búp chè xanh mơn mởn căng tràn sức sống tạo thành bức tranh đồng rừng độc đáo. Đến với những đồi chè Vĩnh Tân vào sáng sớm bình minh hay hoàng hôn đều là những thời điểm lý tưởng để “check-in”.
Đến đây không chỉ tham quan, chụp hình mà du khách còn được trải nghiệm tự tay hái chè, tận mắt chứng kiến người thợ làm chè chế biến từng công đoạn cầu kỳ và phức tạp để có được những chén trà thơm ngát.
Ấn tượng nhất khi về với “Thủ đô kháng chiến” là khu Làng văn hóa thôn Tân Lập với gần 100% người dân tộc Tày sinh sống. Làng Tân Lập còn lưu giữ được dường như nguyên vẹn những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày trong từng ngôi nhà sàn truyền thống.
Từ những làn điệu then thiết tha ngọt ngào cho đến những món ăn đậm văn hoá Tày. Nói tới ẩm thực phải nhắc tới hương vị của cơm lam và xôi ngũ sắc. Hai món ăn này rất gần gũi với người dân miền núi, nhưng rất lạ với người miền xuôi.
Với món xôi ngũ sắc 5 màu, gồm trắng, xanh, đen, đỏ, vàng, là sự kết hợp hài hòa của lá cây cơm đỏ, cơm đen, cơm tím, cây nghệ, gừng hoặc riềng lá xanh. Đồ xôi bằng chõ đất nung, xôi không bị bén lửa, lửa phải đều, đượm than.
Tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp hấp dẫn của xôi ngũ sắc, hòa quyện mùi vị đặc trưng của các loại lá rừng thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo, béo ngậy, chắc chắn du khách không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng, với những dư vị thật độc đáo và khác lạ.
Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã, những sản vật đặc trưng của núi rừng như: măng tươi nhồi thịt, rau dớn rừng, canh củ đao, cá bống suối…
Để xây dựng thương hiệu cho Khu du lịch quốc gia Tân Trào, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang chia sẻ: Tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030, nhằm đưa Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành Khu du lịch quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh trên cơ sở khai thác các giá trị di tích cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, liên kết với các tỉnh trong vùng để tạo tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, từng bước xây dựng thương hiệu cho Khu du lịch quốc gia Tân Trào.
Rất lạ là có nhiều món vừa là thức ăn hàng ngày vừa là vị thuốc chữa bệnh như: Canh lá đắng tốt cho đường ruột, bi chuối nộm, rau ngót rừng, rau bồ khai. Đồng bào dân tộc ở đây còn có quả tai chua rừng phơi khô là thứ gia vị kho với cá, hay nấu canh cá thì quả là tuyệt.
Món trám xanh kho thịt béo ngậy tạo nên hương vị đồng rừng. Không chỉ thưởng thức những món ăn truyền thống, du khách có thể tự trải nghiệm làm cơm lam, xôi ngũ sắc, tìm hiểu nét văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi này.
Và lưu trú tại nhà sàn truyền thống của đồng bào tộc Tày, với không khí trong lành, thoáng đãng và yên tĩnh là một trải nghiệm khó quên.
Làng Văn hóa du lịch Tân Lập có khoảng 20 nếp nhà sàn. Màn đêm buông xuống, bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi ngồi quây quần cùng thưởng thức điệu then. Cô hướng dẫn viên cũng cho chúng tôi biết: Hát then gắn bó và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tày.
Múa hát then xuất phát từ nghi lễ then, một loại hình văn hóa phi vật thể được lưu truyền qua bao đời và tồn tại đến ngày nay. Nghệ thuật then mang màu sắc tín ngưỡng mà người Tày gửi gắm trong đó những mong muốn tốt lành, cầu mong cho gia đình, cộng đồng luôn mạnh khỏe, mùa màng bội thu.
Điều này được thể hiện rõ qua những bài then cổ như: Then giải hạn, Then gọi vía, Then cầu an... Nghe điệu hát then vang lên giữa cái tĩnh mịch của núi rừng để cảm nhận màn đêm Việt Bắc đầy huyền ảo.
Nhằm hút khách du lịch với hành trình về nguồn, xã Tân Trào cũng đang nỗ lực triển khai du lịch trải nghiệm hồ Nà Nưa, và nhất là các tour trekking rừng nguyên sinh Đồng Man - Lũng Tẩu.
Với chuyến thám hiểm rừng xanh Đồng Man- Lũng Tẩu, du khách có thể chuẩn bị đi bộ cho một ngày đường vòng quanh hơn 10 km, qua chân núi Hồng sừng sững quanh năm mây phủ làm ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên.
Tại khu rừng già bạt ngàn này, vẫn còn các loại động vật hoang dã sinh sống như: hươu, nai, lợn rừng, trăn, cầy hương, tắc kè… Các loại gỗ quý hiếm như sến, táu, chò chỉ, lát, lim, kim giao và có cả những cây chè cổ thụ trăm năm tuổi.
Người dân địa phương cho biết: khu rừng đặc dụng này còn có trên 30 loại thảo dược quý hiếm phục vụ sức khỏe con người, cùng hàng chục loài phong lan sống tầm gửi vào các loại cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Đi dọc con suối Lũng Tẩu khoảng 0,5 km du khách đến điểm cuối cùng và xa nhất trong các di tích lịch sử ở khu vực này. Đó là lán ở, sân bóng chuyền, giếng nước cạnh dòng suối, tại đây Bác Hồ chủ trì nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ, ban hành các sắc lệnh tổ chức lại chính quyền nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Phám xâm lược.
Hiện điểm du lịch sinh thái Đồng Man - Lũng Tẩu vẫn còn hoang sơ. Thời gian tới, điểm du lịch sinh thái Đồng Man - Lũng Tẩu rất cần được đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá điểm sinh thái hấp dẫn này đến với du khách.
Trước đây, Cây đa Tân Trào cành lá sum suê, gồm hai cây mọc cách nhau chừng 10 m, người dân địa phương thường gọi với cái tên dân dã là “cây đa ông” và “cây đa bà”. Năm 1993, do ảnh hưởng của một trận bão, “cây đa ông” bị đổ, chỉ còn lại một nhánh nhỏ. Còn “cây đa bà” không tránh khỏi được quy luật “sinh - tử”, dần có những dấu hiệu xấu, lá ngả vàng, một số ngọn bị chết.
Đến năm 2008, Cây đa Tân Trào chỉ còn sót lại duy nhất một cành hướng Đông Bắc của “cây đa bà” còn sống nhưng phát triển không tốt, phần rễ chính của cây gần như đã chết. Trước tình hình cấp bách đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra những phương án chăm sóc và hồi sinh cho Cây đa Tân Trào.
Bằng nhiều nỗ lực, sau hai năm, Cây đa Tân Trào đã dần phục hồi và đến nay đã phát triển thành cụm cây mới tươi tốt. Xung quanh Cây đa Tân Trào còn được trồng thêm 6 cây đa con tượng trưng cho 6 huyện của tỉnh Tuyên Quang.