Không để xảy ra tai họa kép
Vui mừng vì thành tích chống dịch đạt được, nhưng để không xảy ra tai họa kép thì một lần nữa cũng cần phải cảnh báo: Không được chủ quan với Covid-19.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, chiều qua, ngày 1/11, cả nước không có ca mắc mới. Như vậy, tính đến thời điểm đó, tròn 2 tháng Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng và đã chữa khỏi 1.063 bệnh nhân trong tổng số 1.177 bệnh nhân Covid-19.
Cũng tại thời điểm ngày 1/11, số ca tử vong do Covid-19 ở nước ta là 35, đều là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, trong đó Đà Nẵng 31 trường hợp, Quảng Nam 3 trường hợp và Quảng Trị 1 trường hợp.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến ngày 1/11, đã 75 ngày Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Tương tự, với TP Hồ Chí Minh là 92.
Nhìn lại để thấy, do tiến hành quyết liệt nên cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta đã đạt hiệu quả tích cực, hạn chế ở mức thấp nhất mức độ lây lan trong cộng đồng cũng như số người tử vong. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan vì đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại nhiều quốc gia, và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn liên tục đưa ra những khuyến cáo rất có thể đại dịch sẽ bùng phát và kéo dài.
Với nước ta, cũng không ngoại lê.
Còn nhớ, ngày 23/1/2020, Việt Nam phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành, mọi người mọi nhà, nên dịch bệnh đã lập tức được khoanh vùng, công tác truy vết được áp dụng khẩn cấp; các biện pháp phòng, chống cũng liên tục được ngành chức năng đưa ra. Vì thế, kể từ ca lây nhiễm cuối cùng (ở giai đoạn 1) được phát hiện, thì tính tới 6 giờ ngày 24/7/2020, Việt Nam có được 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài. Khi nhiều người đã thở phào thì bất ngờ chiều tối ngày 24/7, dịch bệnh lại bùng phát dữ dội ở Đà Nẵng, chấm dứt chuỗi 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Kể từ đó, đất nước lại bước vào giai đoạn mới cuộc chiến chống đại dịch.
Covid-19 là đại dịch lớn nhất đối với chúng ta trong vòng vài chục năm qua. Với Hà Nội, hẳn nhiều người còn nhớ, vào lúc 10h tối ngày 6/3, UBND thành phố chính thức công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Cả thành phố thao thức. Ca nhiễm dầu tiên của Hà Nội cũng là bệnh nhân Covid-19 thứ 17 của Việt Nam. Đó là bệnh nhân nữ, người “mang” Covid-19 từ nước ngoài về. Lập tức, Hà Nội như trong thời chiến khi các biện pháp cứng rắn nhất được áp dụng. Rồi liên tiếp những ca lây nhiễm ở Sơn Lôi, Hạ Lôi, ở Bệnh viện Bạch Mai… tình thế rất khó khăn.
Nhắc lại điều đó để thấy dù đạt được những thành tích đáng nể, dù đã tròn 2 tháng cả nước không phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, nhưng cũng không thể chủ quan vì đại dịch vẫn rình rập. Chỉ với 1 ca nhiễm mới thôi, lập tức cả cộng đồng sẽ bị đẩy tới chỗ nguy hiểm.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, chính quyền một số tỉnh thành đã phải lên tiếng về việc xuất hiện tâm lý chủ quan với dịch bệnh. Mới nhất, Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội đã phải đưa ra những chỉ đạo cứng rắn, phạt nặng những người không chấp hành các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo quy định. Tuy thế thì vẫn phải nói rằng, tâm lý chủ quan đang rất phổ biến.
Năm 2020, năm đất nước rất khó khăn. Cùng với đại dịch Covid-19 khiến kinh tế ngưng đọng, tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm, thì thiên tai lại dồn dập. Chỉ riêng trong tháng 10 đã có 4 trận bão đổ vào miền Trung, kéo dài suốt từ Thanh Hóa cho tới Phú Yên. Cơn bão này chưa qua, đợt mưa này chưa qua thì lại ập tới cơn bão khác, trận mưa khác. Bão chồng bão. Lũ chồng lũ. Miền Trung ngập nước. Hơn 1 triệu con người đã phải sơ tán khỏi nơi nguy hiểm. Hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập nước. Hàng chục người đã thiệt mạng.
Bão số 9 vừa qua đổ bộ vào miền Trung, nặng nề nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nước ngập mênh mông. Đồi núi sạt lở ở vùng cao tỉnh Quảng Nam, vùi chôn hàng chục con người. Trong đợt mưa lũ kéo dài này, trong các vụ sạt lở, thì Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đã có nhiều người bị vùi lấp…
Trở lại với câu chuyện Covid-19. Như vậy là năm 2020 này, cả nước phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế; thì cũng lại là năm phải chống tai họa kép là vừa chống Covid-19 vừa ứng phó với thiên tai. Trong khi cả nước đang hướng về miền Trung, hướng về người dân vùng lũ, vùng sạt lở thì cũng không thể quân cảnh báo mỗi họa rình rập từ dịch bệnh. Vì rằng, nếu chủ quan để Covid-19 quay trở lại thì tình hình sẽ vô vàn khó khăn. Lúc đó, không khác gì cái cảnh “lưỡng đầu thọ địch” mà người xưa từng nói khi phải cùng một lúc chống đỡ nhiều hung hiểm.
Vui mừng vì thành tích chống dịch đạt được, nhưng để không xảy ra tai họa kép thì một lần nữa cũng cần phải cảnh báo: Không được chủ quan với Covid-19.