‘Dân công hỏa tuyến’ thời bình
Hình ảnh dân công hỏa tuyến tưởng rằng chỉ còn trong những câu chuyện kể, những tác phẩm văn học, bởi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Song, trong “cuộc chiến” với bão lũ miền Trung, phương thức vận chuyển thủ công này lại thực sự hữu dụng.
Cơn bão số 9 có sức tàn phá ghê gớm đã phá hủy nhiều nhà cửa, cuốn trôi nhiều hoa màu, gia súc, gia cầm, làm chết và bị thương nhiều người. Hiện, vẫn còn nhiều khu vực dân cư bị cô lập bởi “biển” nước mênh mông, hoặc đất đá sạt lở vùi lấp. Vì thế, công tác cứu hộ, cứu nạn người dân ở những nơi này gặp rất nhiều khó khăn, bởi hầu hết các phương tiện vận chuyển tiếp tế lương thực, thực phẩm đều không thể tiếp cận được.
Vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) khiến nhiều người dân và công nhân thủy điện Đắk Mi 2 bị cô lập nhiều ngày nay. Trong tình cảnh các phương tiện vận chuyển không thể tiếp cận nơi bị cô lập, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn đã nghĩ ra biện pháp gùi hàng cứu trợ là các nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, nước uống, quần áo, chăn màn... vào cho người dân và các công nhân thủy điện Đắk Mi 2.
Hàng trăm người đã được huy động, chia ra thành nhiều tốp nhỏ gùi lương thực thực phẩm vào cho người dân đang bị cô lập. Mỗi người gùi khoảng 15kg hàng cứu trợ, băng rừng vượt suối để kịp thời tiếp tế cho người dân và các công nhân Đắk Mi 2 đã cạn lương thực, nước uống sau nhiều ngày bị chia cắt. Hình ảnh từng tốp “dân công hỏa tuyến” cõng lương thực thực phẩm vào “chiến trường” lại được tái hiện trong thời bình.
Nhiều người đặt vấn đề, tại sao lực lượng chức năng không điều máy bay trực thăng để thả hàng cứu trợ cho người dân, mà lại phải dùng phương thức vận chuyển thủ công thời “xa xưa”, vừa vất vả lại không đảm bảo được cái sự “ngay và luôn”? Tất nhiên, việc lập cầu hàng không sẽ tiện lợi đủ đường, không tốn sức người lại đảm bảo hàng cứu trợ kịp thời đến tay người dân một cách nhanh nhất. Song, mọi việc đâu có đơn giản như vậy.
Thứ nhất, quân đội cũng không có quá nhiều máy bay trực thăng để có thể ứng cứu tất cả các điểm bị cô lập tại miền Trung. Thứ hai, nếu thời tiết xấu không cho phép thì dù có đủ máy bay trực thăng cũng không thể cất cánh làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn được. Nếu cố tình bay trong thời tiết xấu, e rằng không những không thể cứu giúp được người dân, còn xảy ra tai nạn với đoàn bay dẫn đến vừa mất người vừa thiệt hại tài sản.
Đó là lý do mà dù biết lập cầu hàng không cứu trợ sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác cứu hộ cứu nạn, nhưng lực lượng chức năng lại không thể triển khai biện pháp ứng phó này. Khi mà máy bay trực thăng là phương tiện duy nhất có thể tiếp cận được các địa điểm bị cô lập lại không thể cất cánh, có lẽ phương thức vận chuyển “dân công hỏa tuyến” của thời còn chiến tranh lại là biện pháp duy nhất để cứu hộ, cứu nạn cho người dân.
“Cái khó ló cái khôn”, sáng kiến của lực lượng cứu hộ, cứu nạn huyện Phước Sơn đã giải quyết được khó khăn thực tế. Nếu không thực sự đau đáu với số phận của người dân, nếu vô cảm trước nỗi đau, sự mất mát, những khó khăn hoạn nạn mà người dân đang phải gánh chịu bởi thảm họa thiên tai, liệu có thể nghĩ ra được cách gùi hàng cứu trợ cắt rừng tới nơi bị cô lập? Ngay cả khi nghĩ ra, liệu có ai xung phong cõng hàng cứu trợ?
Việc lực lượng chức năng gùi hàng cứu trợ tới người dân bị cô lập, ngoài trách nhiệm cứu hộ cứu nạn được giao, còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn hoạn nạn, dám chấp nhận hy sinh gian khổ, tận tâm giúp đỡ đồng bào gặp nạn. Sự tận tụy ấy không phải ai, lúc nào, ở đâu cũng có. Thậm chí, ở một vài nơi, đôi khi còn có những người vô lương tìm mọi cách ăn chặn tiền hàng cứu trợ của đồng bào gặp nạn.
Hình ảnh từng tốp “dân công hỏa tuyến” gùi hàng cứu trợ là các loại lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn... vượt núi băng rừng tới với người dân ở vùng bị cô lập thật cảm động và đẹp đẽ biết bao. Hình ảnh đó gợi cho chúng ta nhớ về một thời oanh liệt, hào hùng của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể nói rằng việc đấu tranh với thiên tai bão lũ cũng không kém phần cam go, nguy hiểm so với việc cầm súng chống giặc ngoại xâm. Bởi vậy cuộc đấu tranh này vẫn có những hy sinh mất mát dù chiến tranh đã lùi xa vài thập kỷ. Song, trong khó khăn hoạn nạn, những lúc nguy nan, tinh thần đoàn kết của dân tộc lại bừng sáng để cùng nhau vượt qua gian khó. Đó là lý do chúng ta luôn chiến thắng, dù với giặc ngoại xâm, dịch bệnh, hay thảm họa thiên tai.