Thôi không ‘diễn’ nữa
Dự giờ và đánh giá giờ dạy mẫu (ĐGDM) ở các trường phổ thông trong thời gian qua hiệu quả rất thấp. Đối với những giờ dạy mẫu, thao giảng toàn trường, phần nhiều là “diễn”, không thực chất, làm khổ cả thày lẫn trò. Một số giáo viên đi dự giờ cho xong, cốt đủ số lần dự, đảm bảo chỉ tiêu thi đua. Một số khác dự giờ và ĐGDM là chỉ chăm chăm săm soi xem có sơ xuất gì để rồi góp ý thiếu xây dựng, mang tính áp đặt, gay gắt, làm tổn thương đồng nghiệp.
Thông tư 32/2020 về ban hành Điều lệ Trường THCS, Trường THPT và Trường phổ thông có nhiều cấp, không quy định nhiệm vụ của giáo viên là phải dự giờ và hồ sơ cá nhân cũng bỏ sổ dự giờ, thăm lớp. Riêng giáo viên chủ nhiệm vẫn được dự các giờ học của học sinh do mình làm chủ nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự đổi mới tư duy rất tích cực, là sự thay đổi tiến bộ của giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, nhiều băn khoăn của các trường đặt ra: Khi bỏ hình thức dự giờ truyền thống, liệu có làm mất đi cơ hội học tập lẫn nhau, nâng trình độ chuyên môn, thông qua các tiết dự giờ thăm lớp? Và nên thay nó bằng hoạt động chuyên môn nào?
Như chúng ta biết, trong khoảng 10 năm qua các tổ chức quốc tế như UNICEF, Oxfam Anh, JICA Nhật Bản đã tổ chức triển khai thí điểm chuyên đề “Sinh hoạt chuyên môn để thảo luận giờ dạy minh họa theo hướng nghiên cứu bài học” (Thảo luận giờ dạy minh họa-TLGD) ở Bắc Giang, Bắc Ninh và mở rộng ra nhiều địa phương khác. Hoạt động TLGD được chuyển giao cho giáo dục Việt Nam đã góp phần nâng chất lượng dạy học đổi mới ở các nhà trường.
Chúng ta hãy phân tích một số nội dung về sự khác biệt giữa TLGD và ĐGDM.
Bản chất TLGD nhằm tìm giải pháp thúc đẩy học sinh học tập, nâng cao kết quả học tập của học sinh. Trong khi ĐGDM lại nhằm đánh giá, phân loại tiết dạy, phân loại giáo viên, thông qua quy định cho điểm 4 tiêu chí về các lĩnh vực đánh giá. Vì vậy, TLGD tập trung vào hoạt động học của học sinh, còn ĐGDM tập trung vào việc dạy của giáo viên. TLGD chỉ đưa ra và kết luận về những bài học kinh nghiệm cho mỗi giáo viên tự vận dụng, không thành tiết dạy mẫu, điển hình cho tất cả giáo viên phải học và áp dụng như ĐGDM. Cũng chính vì thế, người ta không gọi đánh giá mà là thảo luận và không gọi là giờ dạy mẫu mà là giờ dạy minh họa.
Như vậy, quan điểm đổi mới về TLGD như trên đã giúp học sinh được cải thiện thành tích học tập của mình. Học sinh tự tin hơn và hào hứng tham gia các hoạt động của nhóm, của lớp vì các em được giáo viên quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển năng lực với khả năng của mình. Môi trường học tập thay đổi, quan hệ giữa các học sinh thân thiện, không cạnh tranh, không phân biệt bởi kết quả học lực, học sinh có ý thức giúp nhau cùng tiến bộ. Giáo viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy…
Với những mô tả về TLGD như trên, chúng ta hoàn toàn có thể coi TLGD sẽ thay thế ĐGDM truyền thống và mang lại sự đổi mới toàn diện hoạt động chuyên môn ở các nhà trường phổ thông.