‘Sống mòn’ cạnh bãi thải nhà máy giấy
“Gieo nguồn xanh - Nhân giá trị” - dường như Công ty Giấy An Hòa, sau gần hai thập kỷ đặt nhà máy ở đất núi Tuyên Quang, đang gieo một khẩu hiệu ảo tạo vỏ bọc, khi mà thực tế người dân dang phải sống khổ cạnh bãi thải của nhà máy.
Bí ẩn sau vạt rừng chết chóc
Con đường lầy lội từ ven sông Lô dẫn vào thôn đồi rừng Đất Đỏ, nơi có 13 hộ dân sinh sống, ở xã Vĩnh Lợi (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) chưa từng hằn vết xe ô tô. Hiếm hoi một chiếc xe máy chệnh choạng bám từng mét đất, lấm láp bò qua.
Một vạt rừng vàng úa. Mấy ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ nhuốm bụi. Thôn nằm gần bãi tro thải khổng lồ của nhà máy Cty Giấy An Hòa. Thải chất cao như đồi, không tường rào che chắn, chất thải tràn ra đường. Một hồ nước rộng màu đen kịt bốc mùi. Trong vai người tìm mua tro thải về làm gạch xi măng, tác giả bài viết dò hỏi hai người đàn ông bịt kín khẩu trang vừa từ phía thôn bước ra.
Một anh nói: “Vào đây cẩn thận! Bảo vệ bãi gắt lắm. Người lạ lớ ngớ là ăn vụt đấy! Mua tro đóng gạch thì vào nhà máy mà hỏi”. Họ kể hôm nọ có anh chàng cầm máy ảnh đến đây định chụp hình gì đó bị đuổi đánh, may trời không mưa, đường bớt lầy nên đã phi xe chạy thoát.
Chị hàng xóm Ma Thị Giao (40 tuổi ở thôn Đất Đỏ) mừng ra mặt khi biết vị khách lạ muốn tìm hiểu về bãi thải, gọi thêm anh hàng xóm Đinh Văn Quyết (29 tuổi), nhanh chân dẫn đường lách qua vườn keo cằn cỗi đến vị trí dễ quan sát hơn.
“Họ bắt đầu đổ thải từ năm 2006. Đổ ngày đổ đêm, che chắn gì đâu, cũng chả biển báo. Trâu bò to khỏe dẫm lạc vào bãi bùn này còn bong lột da, nhìn kinh lắm. Đây khác gì địa ngục đâu” - anh Quyết kể. Bãi bột thải xám, trắng loang lổ, đang rỉ nước thành dòng đặc quánh chảy luôn xuống hồ. Keo, bạch đàn gần bờ chết khô trơ trụi.
“Nhanh lên, đi thôi! Bọn bảo vệ bãi phát hiện thì nguy, họ hung hãn lắm!”, anh Quyết lo lắng. Tôi lia nhanh đoạn video và hơn chục bức hình rồi cùng anh rời khỏi “địa ngục”.
“Sống mòn” trong ô nhiễm
Chỉ tay vào căn nhà bỏ hoang bị cây dại lấp gần kín, anh Quyết nói đó là nhà bà Trần Thị Ngoan (66 tuổi). Nhà xây gần xong nhưng thấy mùi ô nhiễm nặng không chịu nổi nên cả gia đình phải ra đi. Trong thôn cũng có mấy gia đình bỏ biệt từ lâu.
Mùi hóa chất lúc thoảng qua, lúc lộng tận óc. Vào thăm nhà chị Đặng Thị Phương (45 tuổi) gần đó, chị giãi bày luôn nỗi khổ, rằng gia đình đến sống ở đây từ năm 2001, khi đó nhà máy mới hoạt động, chỉ loáng thoáng mùi lạ, sau thì khó chịu kinh khủng, có đêm ngủ cả xóm phải đeo khẩu trang.
“Giếng nước nhà tôi sâu hơn chục mét, mấy năm nay giếng chồi bong bóng ngầu nhẫy ra. Cái núi thải cao thế kia nó ngấm vào rồi. Biết là độc hại nhưng xóm tôi vẫn phải gầu lên mà dùng. Xóm toàn hộ nghèo, tiền đâu mua máy lọc nước. Nhà bên anh Quân, chị Tình hai con đau ốm suốt, bỏ đi hết rồi. Nhà chị Được Huệ cũng thế” - chị Phương nghẹn giọng không kể được nữa.
Thôn Đất Đỏ gửi đơn lên xã, kêu huyện, cầm đơn trực tiếp vào thẳng nhà máy nhiều lần. Không nơi nào phản ứng gì. Có lần cả xóm kéo nhau đến cổng nhà máy yêu cầu giải quyết. Nhà máy hứa sẽ có “phương án hỗ trợ”, xong mãi gần dịp tết thì “tri ân” cho mỗi gia đình một gói quà (1 gói mì chính, 1 gói cà phê và 1 chai nước mắm). Ước chừng mỗi gói khoảng hơn trăm nghìn đồng. Chỉ có vậy.
Bà Trần Thị Bình (66 tuổi) đang mắc xơ gan sống cùng con dâu trong căn nhà trống hoác, không tài sản gì đáng giá. Lấy ở đầu giường tập đơn dày bà chìa ra, kể rằng gia đình về đây từ năm 1990, hồi đó yên tĩnh trong lành, trồng gì nuôi gì cũng mát tay, nhưng giờ thì khổ hết nỗi, khí giời như đày đọa.
“Anh Hinh cạnh nhà tôi mới 36 tuổi mà ho lụ khụ như ông già. Mấy năm rồi. Tháng đi viện ba lần. Đã khỏi đâu” - bà Bình thở dài.
“An Hòa treo biển ‘gieo nguồn xanh, nhân giá trị’ khắp nơi mà thế đấy! Ở đây trồng rau cũng khó được ăn, dân đồi rừng chỉ trông vào nuôi trâu bò bán thịt nhưng giờ dính bệnh, chậm lớn. Làm ăn gì. Hồi trước con em xóm tôi nộp đơn xin vào nhà máy làm công nhân, họ từ chối luôn, cứ bảo là con em ở đây không đủ trình độ. Cái làng này bị bỏ quên rồi. Chịu, không hiểu nữa” - anh Quyết nói cảm thấy như bất lực.
Trời sập tối. Chị Linh con dâu bà Bình lấy xe máy “áp tải” chúng tôi ra khỏi xóm nghèo vì lo bất trắc kẻ nào đó đã biết có người lạ vào xóm từ chiều...
Cả ngàn tấn chất thải độc hại xả ra môi trường?
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, một cán bộ từng nhiều năm làm việc tại nhà máy Giấy Bãi Bằng (huyện Phù Ninh, Phú Thọ), cho biết công nghệ sản xuất giấy sử dụng rất nhiều nước, nguyên liệu, hóa chất, chất đốt,...qua các quá trình cơ học, hóa học, nấu, tẩy rửa, tạo ra lượng thải rất lớn (cả rắn, lỏng và khí). Để có 1 tấn giấy, nhà máy sử dụng khoảng 2 tấn gỗ, tre và 20-30m3 nước. Nước thải này độc tính cao từ lượng lớn hóa chất dùng trong quá trình nấu, tẩy trắng (natri hidroxit, natri sunphat, dioxit clo...), và hỗn hợp có trong thành phần nguyên liệu như axit, nhựa, lignin và một số tạp chất có độc tính gây nguy cơ ung thư và khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Cán bộ này khẳng định, với 2 dây truyền công suất 270.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy của Cty Giấy An Hòa phải dùng và xả thải lượng nước rất “khủng” (trung bình 22.000-30.000m3/ngày đêm). Hệ thống xử lý nước thải nhà máy dù đã đạt tiêu chuẩn loại A (QCVN12-2015 của Bộ TN&MT) và có khả năng thu hồi 90 - 95% hóa chất, nhưng với 45-50kg chất thải rắn/1 tấn sản phẩm, trung bình Cty thải ra 12.000 - 13.000 tấn/năm. Vậy gần 20 năm hoạt động, bạn đọc có thể hình dung Cty Giấy An Hòa đã thải ra môi trường lượng chất độc hại “siêu khủng” như nào.
Hồ nước hứng chịu chất độc rỉ ra từ bãi thải của Giấy An Hòa nằm rất gần sông Lô nên luông thường trực nguy cơ đe dọa dòng nước. Cũng được biết, một khu vực lớn tại xã Cấp Tiến bên cạnh nhà máy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến người dân đã phải kêu cứu nhiều năm nay.
Lời hứa tại một cuộc họp
Mới đây, sau khi thôn Đất Đỏ bắn tin lên xã rằng sẽ gửi đơn kêu cứu đến cơ quan báo chí, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lợi đã họp với đại diện 13 hộ dân, cùng đại diện Cty Giấy An Hòa. Dân đề nghị được cung cấp nước sạch sinh hoạt, giảm mùi ô nhiễm, dựng đường điện và nâng cấp con đường vào thôn, hoặc nếu không thì tái định cư cho dân đến nơi khác. Đại diện Cty cho biết sẽ trình lãnh đạo xem xét giải quyết trong khả năng, sẽ ưu tiên làm đường và điện trước nhưng không cụ thể thời gian, còn giải tỏa dân và tái định cư thì... “Cty chưa có khả năng”!.
Sai phạm, đã xử phạt, vẫn vinh danh!?
Ngày 10/7/2013, Thanh tra Bộ TNMT bắt quả tang Cty Giấy An Hòa xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông Lô khối lượng gần 2000m3/ngày. Cty bị phạt số tiền 227 triệu đồng. Ngày 14/12/2016, tái vi phạm về xử thải, Cty này tiếp tục bị Bộ TNMT phạt hơn 1,4 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động hệ thống xử lý nước thải trong thời hạn 6 tháng. Nhưng năm 2019, Tổng Giám đốc Cty, ông Nguyễn Văn Anh, vẫn “vinh dự nhận giải Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Thậm chí chỉ cách đây 3 tuần, Cty này nhận bằng khen của UBND tỉnh Tuyên Quang do “có thành tích xuất sắc trong hoạt động doanh nghiệp”.