Truyện Kiều vẫn dạt dào sức sống
Được đại thi hào Nguyễn Du viết từ năm 1814 – 1820. Thế nhưng sau 200 năm tác phẩm “Truyện Kiều” vẫn đang có một sức lan tỏa mãnh liệt trong cuộc sống hiện tại.
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, mới đây tại Bảo tàng Phụ nữ đã diễn ra chuỗi sự kiện với chủ đề “Ai nhớ Tố Như”. Tại sự kiện, 3 tác phẩm “Kim Vân Kiều” (tái bản theo bản in 1951), “Lãm Thúy Tập” và “Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” đã chính thức được ra mắt. Bên cạnh đó tại không gian Ban Tổ chức trưng bày bộ sưu tập các ấn phẩm về Kiều và Nguyễn Du qua các thời kỳ.
Không gian trưng bày “Kiều trong thời đại Nguyễn Du” tái hiện khung cảnh thư phòng của nhà Nho tài tử thời cuối Lê đầu Nguyễn với bút nghiên, Truyện Kiều bằng chữ Nôm, Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, các ấn phẩm về Nguyễn Du, thư pháp thơ chữ Hán Nguyễn Du và Truyện Kiều, tranh dân gian họa Kiều. Không gian “Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1900-1945” đánh dấu mốc 100 năm Truyện Kiều, lúc này có hình thức mới bằng chữ Quốc ngữ. Các ấn phẩm Truyện Kiều được bài trí đa dạng từ nguyên bản Truyện Kiều, đến tác phẩm bình chú, lẩy Kiều, tập Kiều…
Ngoài ra, ấn phẩm phong phú khác về Truyện Kiều và Nguyễn Du tiếp tục xuất hiện ở các góc trưng bày qua các giai đoạn lịch sử tiếp theo và cho tới nay. Không gian “Kiều trong cuộc sống hôm nay” bày ấn phẩm Kiều cùng những công trình khảo cứu về Nguyễn Du. Trưng bày thư họa Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và thư pháp gia Châu Hải Đường gồm hơn 20 bức tranh trên giấy dó truyền thống Việt. Đó là sự kết hợp ấn tượng giữa trường phái hội họa lập thể của phương Tây và thư pháp truyền thống của phương Đông.
Có thể nói, sau hàng thế kỷ, “Truyện Kiều” và các tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du vẫn đang có sức lan tỏa trong cuộc sống hiện tại. Ở đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn, có nhiều năm nghiên cứu “Truyện Kiều” là nối dài giá trị theo thời gian và theo không gian. 200 năm nhìn lại, “Truyện Kiều” đã đi ra rất nhiều nước, tạo ra giới Kiều học không chỉ ở Việt Nam. Không những vậy, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn thì “Truyện Kiều” cũng không còn thuần túy văn chương nữa mà từ lâu đã phủ lên rất nhiều hình thức văn hóa khác nhau, từ bình Kiều, ngâm Kiều, họa Kiều...
“Khi “Truyện Kiều” lan tỏa theo từng năm tháng, thế kỷ, khi sự lan tỏa đó còn trên phạm vi tiếp nhận của thế giới, thì theo đó mà văn hóa Việt cũng được tỏa lan” nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn nói.
Còn theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, cách tiếp nối đó chính là điều làm nên lớp lớp văn hóa mà giá trị “Truyện Kiều”, cùng những áng văn chương của Nguyễn Du, mang lại. Dù rằng đời sống văn hóa đương đại còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận giới trẻ hôm nay, nhưng nhiều hình thức mới đã được đưa ra như Kiều lên sân khấu, lên điện ảnh...
Tuy nhiên, với sức lan tỏa của “Truyện Kiều” cũng không tránh khỏi những hình thức “ăn theo” và có tính chất áp đặt, thậm chí là chưa tạo được sức hút với chính những người trẻ. Đơn cử như GS.TS Trần Đình Sử đưa ra dẫn chứng, gần đây, chúng ta sưu tầm được nhiều bản Nôm và người ta đã phiên âm và so sánh với các bản dịch trước đây, đặc biệt là bản dịch của học giả Đào Duy Anh thì thấy có nhiều câu, nhiều từ khác và lạ. Do đó, người ta có tham vọng đưa các câu chữ mới, ghép lại thành một bản dịch Kiều cổ nhất.
Tuy nhiên, mỗi người làm lại có một cách khác nhau nên chúng ta có nhiều dị bản mới về Truyện Kiều. Và để nói, bản Truyện Kiều nào đáng tin cậy hơn bản nào thì không ai dám chắc và chứng minh. Chính vì thế, tạo nên việc loạn các bản dịch Truyện Kiều. GS.TS Trần Đình Sử cũng đề nghị, vấn đề giảng dạy Truyện Kiều trong trường học. Bởi Truyện Kiều thường được học từ lớp 10 nhưng đến lớp 12 thi tốt nghiệp lại thi văn học đương đại, do đó giá trị của Truyện Kiều giảm đi. “Tôi nghĩ nên đưa vào chương trình học và thi lớp 12 để học sinh quan tâm nhiều hơn đến tác phẩm này, đi vào thực tế cuộc sống của nhiều người” GS.TS Trần Đình Sử nói.
Đồng quan điểm, ở một góc nhìn về giáo dục, GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, khi đưa “Truyện Kiều” vào trong trường học, thậm chí nhìn vào ngay giới trẻ việc thuộc được vài câu Kiều đã là chuyện khó. Tuy nhiên, theo GS Phong Lê, đây là lỗi của nền giáo dục. Toàn bộ thế hệ như tôi trở về trước hầu như ai cũng thuộc ít nhất vài trăm câu Kiều. Trong nhà trường một thời có chọn Truyện Kiều nhưng không phải những câu hay, như “Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao/ Người nách thước, kẻ tay đao”, đó là những câu mang tính “đấu tranh giai cấp” thôi. Những câu đẹp tuyệt vời của Truyện Kiều thì không được học. Chương trình học, cách dạy phải thay đổi thế nào để học sinh cảm được cái hay cái đẹp và từ đó thuộc “Truyện Kiều”.
Có thể nói, với sự phát triển của cuộc sống xã hội, với các tác phẩm lịch sử nói chung và “Truyện Kiều” nói riêng sự lan tỏa, đặc biệt với giới trẻ cần có sự thay đổi thích nghi và tiếp cận. Ở đó, không phải là sự máy móc trong các bài học thuộc lòng, mà cần phải dùng những phương pháp để những chủ nhân tương lai của đất nước biết yêu và biết thích.