Công tác cán bộ phải là khâu quan trọng
Góp ý vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, cho rằng, để đổi mới tư duy, đổi mới cách làm thì công tác cán bộ phải là khâu quan trọng nhất. Chỉ khi nào chúng ta có những cán bộ đủ tâm, đủ tầm, đủ quyết liệt, đủ thương dân, biết gánh trọng trách thì khi đó kinh tế Việt Nam mới đủ sức đứng vững và vươn xa.
PV: Là người đại diện cho Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam - thành viên của MTTQ Việt Nam góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, theo ông những nội dung cụ thể nào cần nhấn mạnh?
Ông Võ Sở: Theo tôi, trong Dự thảo Văn kiện cần phải lưu ý nhiều nội dung nhưng một trong những việc quan trọng là vấn đề xây các đập thủy điện. Vấn đề này gây tranh cãi, nhiều bức xúc trong nhân dân. Hiện nay cả nước ta có 824 dự án thủy điện thì có 714 thủy điện vừa và nhỏ. Hiệu quả kinh tế, hiệu quả về năng lượng của các thủy điện là có nhưng so với tổn thất mà chúng ta đang phải gánh chịu lớn hơn gấp nhiều lần. Tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu của nước ngoài thì thấy gần như không có nước nào đặt vấn đề làm thủy điện nhiều như Việt Nam, hoặc nếu có đi chăng nữa họ làm rất ít. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta lại đặt vấn đề thủy điện ở mức độ quá cao mà như thế sẽ tàn phá môi trường rất lớn. Đây là vấn đề không nên tồn tại. Do đó cần có những giải pháp để khắc phục vấn đề này. Vừa rồi, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Trị đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ mà nguyên nhân sâu xa chính là thủy điện.
Còn về vấn đề khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tại sao chúng ta không học tập Hà Lan để giải quyết việc chống ngập mặn ở vùng Tây Nam bộ? Tại sao vấn đề triều cường tại TPHCM lâu như vậy nhưng không giải quyết được?
- Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng nữa cần khắc phục đó là vấn đề pháp chế, pháp luật còn có những hạn chế. Hiện nay chúng ta đang hội nhập quốc tế, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến Việt Nam để đầu tư do đó cần có chính sách phù hợp hơn. Đã có một thời gian rất dài chúng ta cho thuê đất rừng với thời gian là 80 - 90 năm. Đặc biệt là những khu rừng đặc dụng liên quan đến khu vực an ninh quốc phòng. Điều này rất nguy hiểm nên cần có sự cân nhắc sao cho hợp lý.
Trong Dự thảo Văn kiện có nhấn mạnh đến việc lần này chúng ta sẽ đổi mới mô hình để tăng trưởng kinh tế. Ý kiến của ông về nội dung này?
- Vừa rồi chúng ta nói nhiều đến việc cổ phần hóa. Trong mô hình phát triển kinh tế có nhiều thành phần gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể. Những thành phần kinh tế này rất cần thiết nhưng đề nghị phải quản lý chặt chẽ. Tôi nói ví dụ, tại sao nhiều vị trí đất vàng của Hà Nội vào tay tư nhân? Hoặc trong quản lý xây dựng hệ thống đường cao tốc bị lỗ rất nhiều vì do quản lý của chúng ta không chặt chẽ mà điển hình là vụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Việc tăng cường sức mạnh cho kinh tế tư nhân là cần thiết nhưng công tác quản lý phải chặt chẽ. Đặc biệt, kiên quyết không để họ chi phối. Hoặc chưa đến mức chi phối nhưng có tác động rất lớn. Ở Trung ương thì chưa nói nhưng ở các địa phương đã xảy ra rồi. Tác động của kinh tế tư nhân đối với lãnh đạo của nhiều địa phương, dẫn đến sai sót đã có rồi. Do đó, chúng ta phải hết sức chú ý và lưu tâm.
Đảng ta đã đề ra việc cần phải đổi mới tư duy để làm sao phát triển thực sự bền vững. Ông thấy việc đổi mới tư duy trong giai đoạn hiện nay có vai trò như thế nào?
- Theo tôi đổi mới tư duy là cần thiết nhưng cần phải có chương trình đổi mới một cách thiết thực, thích hợp với nền kinh tế của nước ta. Việc đổi mới tư duy trước hết phải được thể hiện trên các mặt như: Nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp nặng, nâng cao hiệu lực chế biến, nâng cao chất lượng của sản phẩm… Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt nền kinh tế vùng, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của từng địa phương. Nơi nào có những đặc biệt riêng, những lợi thế riêng thì phải phát huy.
Tôi lấy một ví dụ rất nhỏ về mô hình tăng trưởng kinh tế của Singapore. Với một nước mà diện tích chưa bằng một huyện, dân số không bằng của Thủ đô Hà Nội hay TP HCM nhưng họ lại phát triển rực rỡ. Kinh tế họ phát triển vì họ đã làm rất tốt các hoạt động dịch vụ một cách thực chất. Bản chất kinh tế của Singapore là kinh tế dịch vụ. Nhìn nước bạn mới thấy Việt Nam chúng ta có rất nhiều lợi thế nhưng không phát huy được. Do đó, để đổi mới tư duy, đổi mới cách làm thì công tác cán bộ phải là khâu quan trọng nhất. Chỉ khi nào chúng ta có những cán bộ đủ tâm, đủ tầm, đủ quyết liệt, đủ thương dân, biết gánh trọng trách thì khi đó kinh tế Việt Nam mới đủ sức đứng vững và vươn xa.
Trân trọng cảm ơn ông!