Chủ tịch Quốc hội: 'Bà con giờ khổ lắm, mỳ tôm không có nước để nấu'
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong thời gian tới phải nhanh chóng quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi nơi có nguy cơ lũ quét.
Sáng 2/11, phát biểu tại tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 2 dự án hồ chứa nước vừa trình Quốc hội sáng nay là vấn đề an ninh hồ nước chứ không phải làm hồ cây cảnh. Đây là vấn đề an toàn nguồn nước, vùng khô hạn nên cần thiết phải làm.
Nguyên tắc làm hồ đập, phá rừng thì phải trồng lại chỗ khác. Đây là vấn đề để đảm bảo nước sinh hoạt sản xuất cho bà con chứ không phải làm du lịch, để phá rừng, hay khai thác gỗ lậu, thủy điện tràn lan không đúng quy hoạch.
Về vấn đề sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi có dư luận của nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vào cuộc ngay. Đúng như cử tri có phản ánh, có nhiều nội dung sách giáo khoa lớp 1 cần phải sửa chữa. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng chỉ đạo sẽ sửa chữa ngay như phản ánh của cử tri. Còn về khoản tiền 16 triệu USD chúng ta vay hiện chưa sử dụng vì vừa rồi làm xã hội hóa, chưa sử dụng nguồn này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng báo cáo chưa sử dụng nguồn này.
Về kinh tế xã hội, theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta đang thảo luận kinh tế xã hội năm 2021, chuẩn bị sơ bộ cho nhiệm kỳ tới để xây dựng kế hoạch 5 năm. Trong tình hình từ đầu năm đến nay, diễn biến thiên tai rất bất thường, tác động biến đổi khí hậu lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khi thảo luận về kinh tế xã hội cần gắn với vấn đề này để bàn việc vừa khắc phục hậu quả, vừa chuẩn bị đề phòng những diễn biến mới.
“Năm nay, diễn ra 16 loại hình thiên tai; 9 cơn bão trên biển Đông, bão số 10 còn gọi là siêu bão Goni cũng đang chuẩn bị tới; 263 trận giông lốc mưa lớn; 49/63 tỉnh thành phố đều bị thiên tai các loại; 15 trận lũ lớn sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập úng, lũ quét. Đặc biệt, trận ngập úng, lũ quét vừa rồi tại các tỉnh miền Trung; Việt Nam đã có 79 trận động đất, trong đó trận động đất gần đây nhất ngày 27/7 có cường độ 5,3 độ Richter. Còn Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán. Như ở Bến Tre chưa bao giờ ngập mặn quá dài và sâu. Trước vào ngập từ biển lên các nơi 40 km nhưng giờ hơn 100 km đã làm ảnh hưởng tới sản xuất cây trái ăn quả, đời sống của bà con”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm: “Riêng cuối tháng 9, đầu tháng 10, miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Trong chỉ đạo, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương đã rất nỗ lực trong phòng, chống bão. Do đó, bàn về kế hoạch kinh tế xã hội năm 2021, các ĐBQH phải bàn các biện pháp để khắc phục hậu quả thiên tai của các tỉnh miền Trung. Bây giờ bà con khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mỳ tôm không có nước để nấu, phải ăn sống. Do đó, trong kế hoạch 2020-2021, phải dành nguồn lực, nhất là hiện đang bàn về phân bổ ngân sách Trung ương. Chúng ta phải lồng tất cả các vấn đề này vào, gắn với thực tế”.
Bày tỏ lo lắng về thiệt hại do bão lũ qua thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trước mắt Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men, không để dịch bệnh, đói nghèo diễn ra sau khi nước rút, giúp cho đồng bào khôi phục lại nhà cửa. Trước mắt, trường học, trụ sở, nhà của dân phải làm cho sạch sẽ để dân dần trở lại cuộc sống, dù chưa bình thường được nhưng cũng phải giảm bớt những khó khăn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong năm 2021, ngoài việc tìm kiếm cứu nạn, sửa chữa nhà cửa, bố trí nơi ăn ở tại những vùng vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ, về lâu dài, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các năm tới cần phải tính đến.
Khi sạt lở đất ở Huế, sau đó là Trà Leng, lực lượng vũ trang Quân đội, Công an đã oằn mình cùng đồng bào trong lũ và có người đã hy sinh, trong đó có ĐBQH Nguyễn Văn Man. Vì vậy, Chính phủ cũng phải chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản biến đổi khí hậu xem có đúng như dự báo của chúng ta hay không để điều chỉnh?
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai. Phải đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai mang lại để có chuẩn bị nguồn lực ứng cứu. Phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng Chính phủ phải chỉ đạo cho các cơ quan, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và trong 5 năm tới không thể không lồng ghép những nội dung vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa phòng chống thiên tai.
Ví dụ, biết trước những khu dân cư có nguy cơ bị vùi lấp trong mưa lũ thì phải chủ động ngay. Quốc hội phải bàn về vấn đề này, thông qua nghị quyết để Chính phủ chủ động di dân ra khỏi vùng thiên tai.
Nhấn mạnh việc dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh ở châu Âu, ở Mỹ, trong ngày 1/11, chỉ 1 ngày mà 100 ngàn người nhiễm mới và không biết khi nào mới chấm dứt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, không được chủ quan. Bởi vì dịch bệnh và thiên tai tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.