Ì ạch dự án hạ tầng
Là những dự án cấp bách, đã được tính toán kỹ lưỡng khi lập kế hoạch thực hiện nhưng hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông ở TP HCM vẫn chậm tiến độ.
Thậm chí, nhiều dự án thi công mà không biết chính xác thời hạn hoàn thành, hoặc hoàn thành không theo kế hoạch. Hậu quả là chính những dự án “giải quyết ùn tắc, kẹt xe” lại đang biến thành những điểm đen gây ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng.
Một trong những dự án hạ tầng lâu năm chưa hoàn thành ở TP HCM khác là dự án xây cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân). Năm 2016, cầu Tân Kỳ Tân Quý bị mưa lớn cuốn sập. Năm 2017, dự án xây cầu Tân Kỳ Tân Quý có chiều dài 225 mét, rộng 16 mét với 4 làn ô tô cùng làn bộ hành được tiến hành theo hình thức BOT.
Khi khởi công, dự án với vốn đầu tư khoảng 312 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ hoàn thành sau 6 tháng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay dự án đã bị dừng thi công và vẫn đang dang dở.
Thậm chí, chính quyền TP HCM buộc phải xây thêm cầu tạm để cho người dân tiếp tục lưu thông trong khi chờ đợi cầu mới hoàn thành. Không giống những dự án chậm tiến độ khác, khúc mắc của dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý phức tạp hơn rất nhiều.
Ngoài việc chưa có đủ mặt bằng, dự án này ban đầu được thực hiện theo hình thức BOT, do tập đoàn IDICO, đơn vị thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1A đoạn qua khu vực này. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, chính quyền TP HCM đã tạm dừng dự án BOT do dự án ban đầu, doanh nghiệp sẽ được cộng dồn thu phí trên tuyến quốc lộ 1A.
Khi đó, những phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1A sẽ phải đóng phí cho dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý (không nằm trên quốc lộ 1A). Hiện nay, thành phố đã chuyển dự án sang phương thức sử dụng nguồn vốn ngân sách và hoàn trả doanh nghiệp số vốn đã bỏ ra.
TP HCM là nơi mà nhu cầu hạ tầng giao thông là rất lớn. Thành phố cũng thực hiện liên tục nhiều dự án nhưng cuối cùng thì hàng loạt dự án vẫn bị chậm, bị dừng… gây ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông đi lại, đời sống của người dân.