Thiếu kĩ năng sống
Trong những đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua ở miền Trung, nhiều người chết do bị sạt lở đất và cũng nhiều người chết do bị nước lũ cuốn đi. Thật là đau xót!
Nhiều năm rồi, những tháng cuối năm miền Trung lại phải gánh chịu bão lũ. Nhiều người cho rằng, dân miền Trung đã quen với lũ lụt, nên đó cũng là chuyện bình thường.
Nhưng, về bản chất, đó là những nhận xét thiếu trách nhiệm. Vì rằng không ai có thể sống quen với thiên tai, kể cả việc trong từng tế bào của họ đã được tổ tiên truyền lại cho gene “quen với thiên tai”.
Kĩ năng sống, hay dúng hơn là kĩ năng tồn tại trong những hoàn cảnh ngặt nghèo là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ là “gene di truyền” mà quan trọng hơn là phải được trang bị. Nhưng điều đó xem ra vẫn là thứ gì đó lý thuyết, xa xỉ ít ra là với chúng ta hiện nay.
Trong một lần từ Hà Nội vào miền Tây Nam bộ, nơi mà người ta hay nói “sống chung với lũ”, chúng tôi đã nghe nhiều cầu chuyện thương tâm về những đưa trẻ chết đuối khi mùa lũ đến. Ở An Giang, Kiên Giang kể cả ở Hậu Giang… năm nào mùa lũ đến cũng lại có người chết đuối, chủ yếu là những đứa trẻ. Chúng tôi từng được (hay là phải nghe) người dân nói rằng, đó là chuyện thường ở đây khi mùa lũ đến. “Chuyện thường”, những đứa bé chết đuối, nhưng lại cứa vào tim.
Mùa lũ năm ngoái, năm 2019, chúng tôi có dịp đi Cà Mau. Khi đó đê biển Tây bị sóng đập rất dữ dội, nhiều khúc tan hoang. Người dân hải hồ đành phải cất ngư cụ chỉ để giữ mạng sống. Bà con nói rằng người lớn thoát được hiểm nước lớn sóng to nhưng trẻ con thì thật khó. Nguy hiểm đến với lũ trẻ tính theo giờ chứ không phải theo ngày vì chúng vốn vô tư không thể tự lo cho mạng sống của mình, trong khi cha mẹ còn đang phải mưu sinh.
Một buổi tối, đi theo chiếc thuyền câu, nghe chủ thuyền buốn bã hát câu vọng cổ “Văn Thiên Tường” với cây đàn Kìm sai dây, còn dưới nước một đứa trẻ ì oạp tắm, lòng rất bất an.
Cuối tháng 6 năm 2020 này, chúng tôi được dự một hội thảo liên quan đến kinh nghiệm và triển khai các can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em, tổ chức tại Hà Nội. Thật kinh khủng khi một báo cáo cho biết mỗi năm (tính trong vòng 10 năm) có tới 2.000 đứa trẻ bị chết đuối một cách rất thương tâm. Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia có số trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước (chết đuối) đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ hai trên thế giới và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong đó, số trẻ bị chết đuối từ 0-5 tuổi nhiều nhất, nông thôn cao hơn thành thị và các trường hợp chết đuối ở trẻ em đa số gặp ở hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp.
Báo cáo cũng cho biết, từ tháng 6/2018, cơ quan chức năng đã triển khai chương trình chống đuối nước ở trẻ em tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh. Trong đó có việc dạy bơi an toàn, dạy kĩ năng an toàn trong nước và tăng cường giám sát trẻ em tại gia đình và nhà trường.
Nghe thế thì biết thế, nhưng việc lũ trẻ bị chết đuối vẫn rất nhiều. Ngẫm ra, từ lý thuyết (ít ra là từ tổng kết của các dự án) đến thực tiễn vẫn là một khoảng cách quá xa. Báo cáo tại hội thảo nêu trên cũng cho rằng phần lớn các phụ huynh sẵn sàng chi trả 500.000 đồng cho các hoạt động dạy bơi cho trẻ (cho đến khi trẻ biết bơi). Nhưng tiếc thay, có lẽ thăm dò đó đã dừng lại ở thành thị.
Trong suốt tháng 10 vừa qua, bão lũ, sạt lở đất khiến miền Trung điêu đứng. Miền Trung được coi là vùng đất nguy hiểm bởi thiên tai do biến đổi khí hậu và cũng do tác động xấu từ con người khi rừng bị đốn hạ quá nhiều, thủy điện nhỏ dày đặc, có khi chỉ trong vòng 30 km đã có tới 4 thủy điện nhỏ. Mới đây, trước hiểm nguy đối với vùng đất này, khi phân tích nguyên nhân một số người nhân danh khoa học đã phủ nhận tác động xấu của thủy điện nhỏ. Thôi thì điều đó sẽ còn bàn cãi chán. Nhưng một thực tế cho thấy chúng ta đã không chuẩn bị cho người dân vùng thiên tai cách thoát hiểm - theo cách nói hiện đại là “kĩ năng sống”.
Suốt nhiều năm qua, trong nhà trường, người ta hay nói đến chuyện giảm tải - hiểu đơn giản là loại bớt những môn học không cần thiết. Nhưng túi sách học trò vẫn nặng lắm. Đáng bàn hơn lại là việc không đưa vào chương trình học phần trang bị kĩ năng sống.
Cách đây hơn 20 năm, người viết bài này có lần được tham dự cùng đoàn cán bộ của Bộ Giáo dục - Đào tạo sang Nhật Bản để tham quan, học hỏi. Ai nấy đều trầm trồ về chương trình - sách giáo khoa, phương pháp dạy và học của người Nhật, không ai để ý đến việc người họ dạy cho con cháu mình cách thoát hiểm trong những “sát-na” - tình huống hiểm nghèo. Nhưng hóa ra, đó chính là vấn đề hệ trọng nhất đối với con người: Sống hay chết.
Vậy thì, bài viết này muốn nói điều gì? Xin thưa, đất nước ta vốn “sáng chớp bão giông, chiều ngăn nắng lửa” thì hãy thật sự chú ý đến trang bị kĩ năng sống cho con người. Tất nhiên, kĩ năng sống không chỉ là chuyện dạy bơi, mà đương nhiên phải rất toàn diện, kể cả việc kĩ năng trụ vững trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng, đó là chuyện lớn, còn chuyện nhỏ thì hãy trang bị cho mỗi người kĩ năng thoát hiểm để sống sót trước thiên tai.