Già hóa dân số: Cơ hội và thách thức
Theo số liệu từ Tổng cục Dân số, Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, sẽ chỉ không tới 20 năm, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Các cơ quan chuyên môn dự đoán, chỉ trong vòng 20 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2017, cả nước có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỷ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi, đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.
Số liệu thống kê dân số cho thấy, Việt Nam đang ở cuối của thời kỳ “quá độ dân số” với ba đặc trưng rõ rệt, đó là tỷ suất sinh giảm, tỷ suất chết giảm và tuổi thọ tăng. Kết quả là dân số trẻ em có xu hướng giảm nhanh, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh và dân số cao tuổi cũng tăng.
Kết quả nghiên cứu của UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra điều tương tự. Theo nghiên cứu, dân số cao tuổi Việt Nam tăng nhanh cả về số tương đối và tuyệt đối, và tăng nhanh hơn các nhóm dân số khác. Chỉ số già hóa tăng lên nhanh chóng. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, thời gian để Việt Nam chuẩn bị đón nhận già hóa dân số ngắn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, dân số cao tuổi Việt Nam có xu hướng “già ở nhóm già nhất”, tức là tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm lớn tuổi nhất (từ 80 trở lên) đã và đang tăng lên nhanh chóng.
Một điều đáng nói, theo UNFPA, mô hình và nguyên nhân bệnh tật của người cao tuổi tại nước ta đang thay đổi nhanh chóng, từ bệnh lây nhiễm sang những bệnh không lây nhiễm theo mô hình bệnh tật của một xã hội hiện đại. Chi phí trung bình cho việc khám chữa bệnh của người cao tuổi cao gấp 7-8 lần chi phí tương ứng của một trẻ em. Mức độ tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế giữa các nhóm dân số cao tuổi rất khác nhau, trong đó dân số cao tuổi ở nông thôn, miền núi hoặc là dân tộc thiểu số có mức độ tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng còn thấp. Bản thân người cao tuổi cũng chưa ý thức được những nguy cơ bệnh tật. Tuổi thọ của người cao tuổi tăng lên, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại cải thiện chậm.
Rõ ràng, nếu không chuẩn bị một cách kỹ lưỡng ngay từ bây giờ thì dân số già không khỏe mạnh và không có thu nhập đảm bảo cuộc sống sẽ buộc Chính phủ phải có những khoản chi tiêu rất lớn và những khoản chi tiêu này sẽ tác động tiêu cực đến ngân sách nhà nước cũng như sự bền vững tài chính dài hạn của toàn bộ nền kinh tế.
Mặc dù vậy, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho rằng, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực. Dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.
Một ý kiến khác, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội nêu ra, nước ta hiện nay có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 12% dân số), Tuy nhiên, trong số này có gần 7 triệu người nằm trong nhóm tuổi 60-69. Nhiều người còn sức khỏe và có trình độ nghề nghiệp khá cao (5,3% trong nhóm này có trình độ trung cấp nghề, mức chung của cả nước là chỉ có 4%, trình độ đại học là 7,6%). Đồng thời, nhiều người cao tuổi có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, sản xuất phòng chống thiên tai, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nếu không phát huy những giá trị này thì sẽ là sự lãng phí rất lớn cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Đương nhiên,để đối mặt với già hóa dân số, cần phải hoạch định những chiến lược, chính sách thực tế, xác đáng để thích ứng với tình hình. Đồng thời, điều quan trọng, quyết định nhất chính là việc giáo dục ý thức mỗi cá nhân về việc “lo cho tuổi già từ khi còn trẻ” bởi lo cho mình cũng chính là lo cho gia đình, cộng đồng và các thế hệ tương lai.
Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội và đất nước.
“Chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn mà chúng ta hằng mong ước, “không bỏ ai lại phía sau” sẽ mang lại cơ hội để người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Chúng ta hãy tăng cường những quyền con người này và đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi”- bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.