Dự án con đường gốm sứ thứ hai ở Hà Nội
Những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, với việc mở rộng thủ đô thì quy hoạch cho các không gian công cộng còn cần nhiều sáng tạo hơn nữa.
TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hoá và khoa học công nghệ đã có sáng kiến về việc tạo ra con đường gốm sứ thứ hai ở Hà Nội.
Hà Nội, kể từ năm 1954 tới nay đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển văn hóa - nghệ thuật. Trong đó, có một số khu đô thị được xây dựng hoành tráng, khang trang mang dáng vẻ kiến trúc thời hiện đại. Cách đây 10 năm, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự án con đường gốm sứ dài gần 4km từ cửa khẩu An Dương tới Vạn Kiếp đã được xây dựng. Thế nhưng, gần đây do dự án mở rộng đường Âu Cơ, xây dựng cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên và Ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu, nên con đường gốm sứ bị phá đi 600 m.
Việc một công trình nghệ thuật bị phá dỡ đã để lại sự luyến tiếc cho nhiều người. Dưới góc nhìn của mình, TS Nguyễn Hoàng Điệp - Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hoá và khoa học công nghệ cho rằng: “Con đường gốm sứ này, ngay từ khi ký quyết định cho phép xây dựng và duyệt đề án đã phạm một khuyết điểm lớn là: Thiếu tầm nhìn chiến lược về mặt lịch sử và sự trường tồn của công trình văn hóa này”.
TS Nguyễn Hoàng Điệp đã đưa ra cái nhìn thẳng thắn về sự ngổn ngang trong quy hoạch của Hà Nội những năm qua đó là sự phát triển của Hà Nội còn bề bộn giữa cái được và chưa được. Có công trình xây dựng xong thì lại phải phá đi xây lại theo quy hoạch mới. Đường vừa làm xong đổ bê tông Asphalt đẹp đẽ thì các công trình điện, nước, thông tin cáp quang lại đào lên.
Trước những bất cập về quy hoạch của thủ đô Hà Nội, TS Nguyễn Hoàng Điệp đã đưa ra một dự án với ý nghĩa lịch sử mang bóng dáng của nền văn hóa hiện đại nối tiếp truyền thống. Đó là dự án xây dựng con đường gốm sứ Bưởi - Cầu Giấy, xuất phát từ Ngã tư: Hoàng Hoa Thám - Lạc Long Quân - Bưởi - Hoàng Quốc Việt tới Cầu vượt Cầu Giấy. Con đường này đã được xây dựng rất kiên cố bằng những bức tường bê tông cốt thép có thể tồn tại bền vững lâu dài, ổn định về địa chất công trình. Đặc biệt, con đường này lại chạy song song với một nhánh sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch khi xưa là hệ thống giao thông đường thủy huyết mạch của đất Kinh Kỳ - Thăng Long - Kẻ Chợ.
Nói về ý nghĩa của dự án xây dựng đường gốm sứ Bưởi - Cầu Giấy, TS Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: “Nếu làm được công trình này thì công trình mang ý nghĩa lịch sử và không nơi nào đắc địa như vị trí này. Đây là một công trình tổ hợp văn hóa thể thao du lịch giữa đường Bưởi - Cầu Giấy với Hồ Tây lá phổi của thủ đô. Từ Hồ Tây, du khách có thể đi về dòng Tô Lịch và chiều ngược lại, khoảng cách không gian là rất gần. Bên cạnh đó, nơi đây còn là nơi gặp gỡ của hai triều đại Lý (tiền Lý và hậu Lý) mà không vị trí nào của Hà Nội thể hiện được điều đó. Đây sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đồng thời là một điểm nhấn của thủ đô. Đặc biệt dựa vào con đường đã được định sẵn sau này không có sự thay đổi địa thế”.
Con đường gốm sứ Bưởi - Cầu Giấy sẽ tạo ra sân chơi cho các nhà hội họa, điêu khắc, mỹ thuật Việt Nam thả sức mường tượng sáng tác những bức tranh về nhà Vua Lý Công Uẩn trong ngày đầu đi tìm đất thiên đô.
Song song với việc triển khai dự án đường gốm sứ là vấn đề cải tạo dòng sông Tô Lịch cũng được giải quyết. Và khi đó, nơi đây sẽ khai thác dòng sông Tô Lịch bằng nhiều loại hình hoạt động văn hóa độc đáo: Múa rối nước, xiếc, sân khấu nổi tự động (để diễn kịch), tổ chức dịch vụ văn hóa ẩm thực đất Kinh Kỳ…
Liên quan đến dự án điểm nhấn về văn hóa của Thủ đô Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2020, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 5922/ VP-KGVX gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Nội dung công văn nêu rõ: “Giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, chủ động trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Điệp, tham mưu buổi tiếp và làm việc giữa lãnh đạo UBND thành phố và TS Nguyễn Hoàng Điệp”. Trong công văn, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị báo cáo Thành phố trong tháng 7 năm 2020. Nhưng, TS Nguyễn Hoàng Điệp cho biết đến nay giữa ông và Sở Văn hóa và Thể thao vẫn chưa có sự trao đổi.
Tuy chưa có sự trao đổi lại về vấn đề này, nhưng theo TS Nguyễn Hoàng Điệp có lẽ dự án về con đường gốm sứ thứ hai của Hà Nội sẽ hình thành trong thời gian tới.